Là trung tâm các tỉnh trung du, miền núi phía bắc, những năm vừa qua tỉnh Thái Nguyên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chú trọng phát triển y tế chuyên sâu, củng cố, nâng cao hiệu quả của y tế dự phòng. Từ đó, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng đáp ứng yêu cầu. Ngành y tế Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực bằng sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công tại 8 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 đơn vị y tế tuyến huyện.
Ông Phan Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy phát biểu động viên cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chống dịch COVID-19 của Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên |
Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 2.000 bác sĩ, đạt tỷ lệ 16,2 bác sĩ /10.000 dân, 6.634 giường bệnh, đạt 50,7 giường/10.000 dân, trong đó giường bệnh công lập 47,1 giường/10.000 dân, ngoài công lập 3,6 giường/10.000 dân, vượt kế hoạch đề ra. Bình quân người dân khám, chữa bệnh đạt hơn 2,0 lượt/người/năm. Toàn tỉnh có 96% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, hơn 90% số trạm y tế xã có bác sĩ, 98,4% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Là trung tâm các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên và ngành y tế Thái Nguyên còn đảm nhận việc khám, chữa bệnh cho lượng lớn công nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân các tỉnh lân cận.
Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", phát huy tinh thần "thầy thuốc như mẹ hiền", hầu hết các bệnh viện đều có phòng, đơn vị làm công tác hỗ trợ người bệnh. Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, các bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện ngành trên địa bàn có đóng góp rất lớn đối với công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc quản lý chất lượng xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng cơ sở y tế "Xanh - Sạch - Đẹp" được chú trọng.
Phòng chờ của bệnh nhân được sắp xếp hợp lý, sạch sẽ và thoáng mát |
Ngành y tế Thái Nguyên đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, kết nối liên thông dữ liệu từ tỉnh đến huyện, xã, liên thông cổng giám định bảo hiểm y tế, triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ- trẻ em điện tử, tiến tới hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và y tế thông minh.
Ngành đã xây dựng chương trình phát triển một cách tổng thể, đồng bộ, có định hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực. Các đơn vị đã căn cứ vào chương trình phát triển y tế chung của ngành, kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình, từ đó có lộ trình và hướng đi cho phù hợp.
Cùng với sự năng động sáng tạo dám nghĩ, dám làm của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trong việc phát triển khoa học kỹ thuật thông qua ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Trong những năm vừa qua, công tác nghiên cứu khoa học của ngành y tế được quan tâm triển khai tốt. Với hàng chục đề tài, sáng kiến cấp tỉnh đã được phê duyệt và triển khai thực hiện, ngành y tế còn có hàng ngàn đề tài, sáng kiến cấp cơ sở đem lại giá trị thực tiễn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Hệ thống y tế dự phòng của toàn tỉnh được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng, nhiều năm liền trên địa bàn Thái Nguyên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ hằng năm đạt 97%.
Hướng tới ngày Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022) cán bộ ngành y tế Thái Nguyên tích cực tham gia, phát huy tốt truyền thống “Lương y như từ mẫu” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về phòng, chống dịch COVID-19, giáo dục-đào tạo, khám, chữa bệnh và các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào cấp cứu và điều trị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức nhân dân.