Ngành Y tế Vĩnh Phúc nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày trung bình cả nước có hàng nghìn ca mắc. Từ đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan “ai rồi cũng F0”. Trước thực tế đáng lo ngại này, ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền thiết thực, hiệu quả cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Ngành y tế Vĩnh Phúc quyết tâm không để người dân nào bị bỏ lại phía sau
Ngành y tế Vĩnh Phúc quyết tâm không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Ngăn ngừa tâm lý chủ quan trước dịch bệnh

Nhằm tránh ảnh hưởng đến tâm lý người dân cũng như đánh giá của nhân dân đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương chỉ cập nhật số liệu người mắc đến các cơ sở y tế chứ không cập nhất hết số ca mắc điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền hiện vẫn còn một chiều, các văn bản của chính quyền thường xuyên hô hào khẩu hiệu: mỗi làng xã, gia đình là một pháo đài, hay mỗi làng xã, gia đình là một chốt phòng dịch…đến nay không còn phù hợp và ít hiệu quả.

Về mặt khách quan cũng cho thấy, việc người dân được tiêm phòng đầy đủ và biến chủng omicron có khả năng lây lan nhanh nhưng bệnh ít nặng so với các biến chủng trước, thêm vào đó, cả nước đều thực hiện theo Nghị quyết 128 "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"…Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý chủ quan trước dịch bệnh. Nhiều người cho rằng, bản thân và những người xung quanh có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào, nên việc phòng, chống dịch trở nên lơ là, hời hợt.

Nhiều người dân có tâm lý trở thành F0 bất cứ lúc nào (Ảnh minh họa)Nhiều người dân có tâm lý trở thành F0 bất cứ lúc nào (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến cáo suy nghĩ này có thể khiến số ca COVID-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, dẫn đến tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế. Chưa kể đến, hệ lụy di chứng sau mỗi trường hợp mắc COVID-19 là rất khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sau này của người dân.

Ngành y tế Vĩnh Phúc không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Từ những thực tế trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt việc phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động, sâu rộng và phù hợp thực tế, kiên quyết không để tâm lý chủ quan “ai rồi cũng F0” xuất hiện trong nhân dân.

Hiện tại tỉnh chuyển trọng tâm phòng chống dịch về các địa phương; rà soát các trường hợp F0 để sát sao quản lý, theo dõi, chăm sóc kịp thời, hỗ trợ tốt nhất, cao nhất cho các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà, tuyệt đối không để ca bệnh F0 chuyển biến nặng, dẫn đến tử vong, bảo đảm không có bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19.

UBND các huyện, thành phố tăng cường bố trí nhân lực cho cấp xã để điều trị F0 tại nhà; chỉ đạo các xã, phường thường xuyên rà soát, nắm số lượng F0 trên địa bàn và chịu trách nhiệm nếu để trường hợp F0 ở nhà nhưng không khai báo. Đồng thời, nâng cao vai trò hoạt động của các tổ phòng chống Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản, phân công thành viên có chuyên môn để quản lý danh sách, cấp phát thuốc, tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà; huy động các lực lượng tình nguyện với tinh thần toàn dân tham gia chống dịch.

Mặc dù, tỉnh vẫn tiếp tục mở cửa cho sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt, học tập của nhân dân nhưng tuyệt đối yêu cầu người dân phải tuân thủ quy định 5K, cấm giao lưu ăn uống tụ tập, đám ma đám cưới….

Ở tất cả các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân không chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Khi xuất hiện những tâm lý chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh cần lên án, phê phán mạnh mẽ để người dân rút kinh nghiệm. Tỉnh cũng chuyển hướng từ “Ban chỉ đạo chống dịch thành “toàn dân chống dịch”. Chuyển từ điều trị tại cơ sở y tế sang “điều trị tại nhà”.

Song song với đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho mỗi người dân phải tự phòng bệnh cho mình và tự chữa bệnh cho mình theo hướng dẫn của y, bác sỹ. Ngành y tế luôn sẵn sàng túc trực cấp cứu điều trị các ca bệnh nặng, tham gia hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ giúp bệnh nhân ở thể nhẹ.

Ban chỉ đạo, tổ COVID-19, tổ chăm sóc y tế cộng đồng tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thành lập hàng trăm zalo nhóm kết nối các bệnh nhân, các người dân nghi nhiễm, chăm sóc…

Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Mặc dù tăng rất cao, số ca bệnh đang điều trị tại nhà rất lớn nhưng chúng ta vẫn điều binh khiển tướng, bố trí lực lượng hài hoà, sâu sát đến từng trường hợp, địa phương. Bộ máy từ công an quân đội đến chính quyền lực lượng y tế làm việc quên ngày, quên đêm để với mong muốn duy nhất “bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của dân - dân an là yên tâm rồi”.

Để tiếp tục sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân nhân, ngành Y tế tỉnh Vĩnh phúc phấn đấu trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh; là lực lượng nòng cốt trong triển khai công tác chuyên môn cho các trạm y tế lưu động, các tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để chăm sóc tốt nhất cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà; tích cực tham mưu chính quyền địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tăng diện bao phủ vắc xin.

Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, phát huy phẩm chất, y đức của người thầy thuốc, mang hết tâm sức, trí tuệ phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Đọc thêm