Hồi giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Malaysia
Thế kỷ XV, theo đường biển thông qua giao lưu buôn bán và thương mại, Hồi giáo đã bắt đầu đặt chân lên các quốc gia Đông Nam Á hải đảo - trong đó có Malaysia. Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, sau khi giành được độc lập, Hồi giáo đã được công nhận là tôn giáo chính thức của liên bang.
Theo số liệu từ Điều tra dân số và nhà ở năm 2010, có sự tương liên cao giữa dân tộc và tôn giáo của Malaysia. Xấp xỉ 61,3% dân số thực hành Hồi giáo. Vì vậy với khoảng hơn 50% số tín đồ, Hồi giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa của người Malaysia.
Từ khoảng thế kỷ XVIII, những thánh đường đầu tiên ở Malaysia được dựng lên và đặc điểm chung của kiến trúc trong giai đoạn này là không hề mô phỏng sao y theo phong cách kiến trúc truyền thống của nhà thờ Hồi giáo. Việc xây dựng thánh đường lúc này phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa lý tự nhiên nắng nóng, mưa nhiều ở Malaysia.
Thời kỳ thuộc địa từ khoảng năm 1795 đến năm 1957, thánh đường ở Malaysia chủ yếu được được thiết kế bởi các kiến trúc sư và kỹ sư người Anh. Những hình ảnh quen thuộc của kiến trúc Hồi giáo dần xuất hiện như kiểu kiến trúc mái vòm củ hành, mái nhọn, tháp canh và những hàng cột... Chất liệu được sử dụng phổ biến là xi-măng, gạch với cấu trúc khung thép chịu lực.
Giai đoạn hiện đại trong khoảng từ năm 1958 đến nay kiến trúc thánh đường ngày càng tuân thủ chặt chẽ phong cách Hồi giáo, đồng thời những kỹ thuật công nghệ hiện đại cũng bắt đầu được các công trình sư tận dụng triệt để khi thiết kế xây dựng.
Thánh đường ngày càng mở rộng diện tích ở sảnh cầu nguyện để đáp ứng chỗ ngồi cho số lượng tín đồ ngày càng đông. Những vật liệu hiện đại như bê-tông, gạch, thép, đá, cẩm thạch được ưa chuộng và kiểu thiết kế quen thuộc là hình dáng những mái vòm củ hành hay mái nhọn, tháp cao, trần cao.
Và một trong những nhà thờ nổi bật nhất trong giai đoạn này, đó là Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul, Thánh đường Hồi giáo được xây dựng bắt đầu vào năm 1982 và hoàn thành vào ngày 11/3/1988.
Thánh đường nằm kề bên một hồ nước nhỏ dệt nên một khung cảnh thật tĩnh lặng và thanh bình ở Shah Alam. Có thể nói, cách Kuala Lumpur khoảng 30km, chưa đầy 30 phút đi ô tô hoặc tàu điện ngầm, thánh đường ở Shah Alam sẽ là điểm đến khá thú vị cho khách du lịch, những người yêu thích kiến trúc khi ghé thăm Malaysia.
Giáo đường lỗng lẫy như trong cổ tích
Với tên gọi Thánh đường Hồi giáo Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul, tuy nhiên về sau này, tên gọi dài dòng của nơi này đã được rút gọn là Blue Mosque (Giáo đường Xanh). Nhà thờ nằm trên diện tích 14 ha, tọa lạc tại thủ phủ Shah Alam, bang Selangor. Kiến trúc của Thánh đường Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul là kết hợp của phong cách Malaysia truyền thống đan xen với hiện đại.
Đây là công trình Hồi giáo có kiến trúc khá độc đáo với mái vòm được xem như lớn nhất thế giới với chiều cao 106,7m, đường kính 51,2m, ấn ượng với mọi du khách khi du lịch Malaysia. Nhà thờ xây dựng 4 ngọn tháp cao 142,3 m và từng được tổ chức các nhà thờ Hồi giáo ghi nhận là cao nhất thế giới. Song sau đó bị chiều cao 210 m của nhà thờ Hassan II (khánh thành vào tháng 8/1993 tại Casablanca, Morocco) vượt qua.
Trần nhà cao, có tấm ốp lớn hình tam giác màu đỏ của gỗ balau ramin. Mái vòm được bọc bằng nhôm, có bề mặt bên ngoài được dát phủ thủy tinh. Nếu có dịp được tham quan du lịch Malaysia ở thánh đường này, có thể thấy rằng những câu kinh Koran thể hiện qua thư pháp Ả rập trên các đường cong bên trong của mái vòm và trên các bức tường bên trong nhà thờ.
Tầng trệt của thánh đường bao gồm sảnh lớn để cầu nguyện, dưới mái vòm, dọc bên hành lang còn có các văn phòng hành chính, phòng hội nghị, thư viện, tiếp tân và phòng học cho tín đồ phòng hội họp và nhà kho. Phía bên trong nhà thờ được chia làm hai khu vực riêng biệt, bên trái là khu vực dành cho phụ nữ, bên phải là khu vực dành cho nam giới.
Những cột trụ và hốc tường (nơi tín đồ hướng về để cầu nguyện) được bao phủ bởi lớp đá cẩm thạch trắng và cũng trang trí bằng những đoạn kinh Koran truyền thống. Thảm trải sàn nơi dành cho tín đồ cầu nguyện được dệt từ len sợi và trang trí bằng những họa tiết hình học trắng trên nền màu xanh. Nền sân trong cũng được lát bằng những phiến đá xanh và trắng xen kẽ.
Quanh nhà thờ được thiết kế bằng hàng loạt các bức tường ô voan thoáng, để có thể đón nhiều ánh sáng tự nhiên. Với hàng trăm nghìn tấm kính, chủ yếu là màu xanh da trời, được gắn trên các ô cửa sổ để làm giảm nhiệt ánh nắng nhiệt đới, tạo cảm giác bình an mà vẫn mang lại đủ ánh sáng cho bên trong nhà thờ.
Cũng chính vì thế mà Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul còn được gọi là Blue Mosque (Giáo đường Xanh). Nhờ kiến trúc hấp thụ ánh sáng và làm mát đặc biệt này, Giáo đường Xanh giảm được khá nhiều chi phí điện cho chiếu sáng và điều hòa thông gió. Khách du lịch Malaysia sẽ cảm nhận được không khí trong lành thoáng đãng khi bước chân vào nơi này.
Một điểm ấn tượng nữa trong kiến trúc công trình này là ngoài các vật liệu xây dựng cơ bản, vật liệu chủ yếu xây nhà thờ là nhôm. Toàn bộ bề mặt nhà thờ từ các cột trụ trong đền, những bức tường hay cửa sổ, thậm chí mặt ốp 4 ngọn tháp đều được bọc nhôm. Chính vì thế, từ xa khách du lịch Malaysia có thể nhận ra được công trình đồ sộ này nổi bật giữa đám đông.
Giáo đường Xanh còn trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo: thư pháp, điêu khắc, tranh...Nhà thờ có sức chứa 25.000 tín đồ tại bất kỳ một thời gian nào trong ngày và tối đa 50.000 người vào dịp lễ Thánh lớn nhất của đạo Hồi. Sức chứa này tương đương với khán đài của một sân vận động cỡ trung bình trên thế giới.
Để mọi tín đồ trong thủ đô Hồi giáo tại Malaysia đều có thể nghe được tiếng cầu nguyện mỗi buổi chiều tối, hàng nghìn bộ loa được lắp kín bên trong các cột trụ, thành vách của nhà thờ. Mỗi khi cầu nguyện, âm vang cộng hưởng với mái vòm vang xa hàng chục km.
Công trình vẫn cho phép khách du lịch hay những người ngoại đạo tham quan nhưng bị cấm bước vào khu vực thảm lớn dành cho cầu nguyện. . Nơi đây bị hạn chế đối với những người ngoại đạo. Thậm chí, ngay cả những người đạo Hồi khi vào thánh đường còn phải vệ sinh thân thể thật sạch ở ngoài mới được phép bước vào thánh đường.
Đây là nghi thức bắt buộc. Họ lần lượt dùng nước rửa sạch bảy bộ phận gồm miệng, mũi, mắt, khuôn mặt, trán, khủy và bàn tay, cuối cùng là bàn chân. Khách nữ phải choàng kín người và tóc trước khi vào (có thể mượn trang phục tại đây). Giày dép phải để ngoài cửa.
Nơi đây tập trung vài văn phòng hành chính, phòng hội nghị, thư viện… Việc tham quan kèm hướng dẫn viên là hoàn toàn miễn phí. Bạn sẽ được nghe kể về lịch sử, kiến trúc và nghi lễ Hồi giáo. Chuyến tham quan thường khoảng một tiếng./.