Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn hòa giải để giải quyết tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng phương thức hòa giải thương mại thay cho các phương thức truyền thống trong giải quyết tranh chấp, giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp.
Các đại biểu tham gia talkshow.
Các đại biểu tham gia talkshow.

Tối 9/12, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức talkshow “Hòa giải thương mại và nghề hòa giải viên” với sự điều phối của Quyền Giám đốc VMC Phan Trọng Đạt.

Tại talkshow, Luật sư (LS) Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, LS điều hành hành LNT&Partners, Hòa giải viên VMC điểm qua sự phát triển của phương thức hòa giải thương mại (HGTM) trên thế giới trong giải quyết, xử lý tranh chấp thương mại giữa các bên.

Theo đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng phương thức này thay cho các phương thức truyền thống, giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp. Chẳng hạn như các doanh nghiệp ở Anh giai đoạn 1990 – 2018 tiết kiệm được 28,5 tỷ bảng Anh liên quan đến giải quyết tranh chấp nhờ áp dụng phương thức hòa giải.

Đồng tình với LS Quyên, LS Đặng Việt Anh, Giám đốc Công ty luật ANHISA, Hòa giải viên VMC, chia sẻ một khảo sát nhỏ của VMC cho biết có khoảng 70-80% doanh nghiệp có thể áp dụng hòa giải khi xảy ra tranh chấp. Điều này phản ánh đúng xu thế trên thế giới khi tại nhiều quốc gia hiện nay có tới 60-65% tổng số vụ tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải.

LS Việt Anh hy vọng, sắp tới Việt Nam sẽ tham gia Công ước Singapore về hòa giải và cùng với Luật HGTM, nền tảng pháp lý ngày càng hoàn thiện, cộng đồng doanh nghiệp biết nhiều hơn về hòa giải thì dần dần sẽ hình thành một nghề chuyên nghiệp cho hòa giải viên.

Đối với các bạn trẻ, theo LS Việt Anh, họ có thể chưa đủ kinh nghiệm, uy tín với các bên trong quá trình tham gia hòa giải nhưng nếu được đào tạo, hiểu biết về HGTM thì những kiến thức, kỹ năng về hòa giải có thể áp dụng ngay từ bây giờ. Bởi các hòa giải viên chuyên nghiệp rất cần hỗ trợ của đội ngũ pháp chế, luật sư, khi ấy các bạn trẻ làm pháp chế, luật sư có thể hỗ trợ thân chủ, các hòa giải viên cũng như các bên tìm được giải pháp có lợi cho tất cả các bên trong giải quyết tranh chấp.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình, LS Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng LS Mặt trời mới, Hòa giải viên VMC, cho biết cũng như các nghề nghiệp khác, hòa giải viên phải xác định được khách hàng, thị trường tiềm năng của mình; hiểu được đặc điểm văn hóa, đầu tư kinh doanh của khách hàng. Với LS Thành, ông tập trung vào khối khách hàng nói tiếng Trung, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Trung Quốc.

Ngoài ra, LS Thành rất tâm đắc với việc lan tỏa nghề hòa giải, kỹ năng, công việc hòa giải cho cộng đồng doanh nghiệp người Hoa tại Việt Nam. Tuy chỉ là thị trường ngách nhưng sau nhiều năm gắn bó, ông hiểu được tâm lý, văn hóa của khách hàng để tiến hành hòa giải, nhờ đó công việc hòa giải được dễ dàng hơn.

Đọc thêm