Theo đó, sự kiện có 3 hoạt động chính: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân. Chủ tịch nước gặp mặt, chúc Tết đồng bào dân tộc. Điểm nhấn của hoạt động là Chủ tịch Nước, các đại biểu cùng đồng bào trồng cây lưu niệm tại Làng dân tộc I.
Bên cạnh đó, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ giới thiệu, tái hiện các phong tục đón Tết truyền thống tiêu biểu và biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực dân tộc ngày Tết của cộng đồng các dân tộc được huy động tại không gian các nhà dân tộc, khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiêu biểu là lễ xên bản (cúng bản) của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Tái hiện tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên, hội chọi dê đầu xuana huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang); Giới thiệu làng nghề thủ công truyền thống, sản vật địa phương, vùng miền các dân tộc Việt Nam; Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết”.
Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” 2017 có sự tham dự của 190 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 16 cộng đồng dân tộc của 16 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền của cả nước: dân tộc Hà Nhì (Lai Châu), Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An), Mạ (Lâm Đồng), Chăm (An Giang), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Khơ Mú (Sơn La), Thái (Nghệ An), Giẻ Triêng (Kon Tum) Ba Na (Gia Lai), Ê Đê (Đăk Lăk), Chăm (Bình Thuận), Khmer (Sóc Trăng), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế); sinh viên trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc.
Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” cũng nhằm đa dạng hóa các hoạt động đón Tết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phục vụ đại biểu, du khách, qua đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, điểm đến thân thiện và hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.