Chúng ta luôn bắt gặp đâu đó những đứa trẻ nổi loạn bắt nạt nhau tới rùng mình. Chúng ta bắt gặp những lo lắng mơ hồ hoặc hiện hữu về thầy cô chọn nhầm nghề vì không yêu trẻ… Chúng ta mong muốn những đứa trẻ của chúng ta không chỉ là “zambie” vô cảm, khi năm học mới đến, một đứa trẻ lớp 1 phải “cõng” trên lưng 23 quyển sách!...
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thế hệ của chúng ta, chưa xa lắm, 7x, 8x - một đứa trẻ vỡ lòng đến trường chỉ có 2 quyển sách và một “mẩu bút chì con con” nhưng đã làm nên không chỉ một Giáo sư Ngô Bảo Châu lừng lẫy! Chưa kể, những quyển sách giáo khoa xưa dù rất ít ỏi nhưng ở đó là những bài học tỉ mỉ về lòng nhân, về tình người… Tất cả từ sách vở, thầy cô, cha mẹ đều là những tấm gương với mỗi đứa trẻ.
Và với từng ấy sách vở trĩu nặng ấy, chúng ta đừng trách những đứa trẻ ngày nay không có thời gian để quan sát, để nhìn thấy những vẻ đẹp, những yêu thương quanh mình! Khi mà cha mẹ ngày đêm miệt mài kiếm tiền để gửi con vào những ngôi trường “tốt nhất”… Chúng ta đừng trách trẻ khi người lớn chúng ta khi gặp nhau thường chỉ hỏi: “ Có bao nhiêu căn nhà? Có bao nhiêu đất? Thành đạt chứ, thu nhập khủng chứ? Mà không hỏi nhau rằng: Bạn sống có hạnh phúc không?”…Trong khi đó, lòng trắc ẩn, tình thương không có môn Toán, Lý, Hóa nào dạy được! Tất cả bắt nguồn từ gia đình và thầy cô có tình yêu đủ lớn với học trò mình…
Chị Phan Hồ Điệp, một chuyên gia giáo dục chia sẻ: “Các cô giáo dạy kỹ năng có thể dạy được hàng ngàn người lớn nhưng rất khó để dạy một đứa trẻ biết yêu thương, biết kết nối, biết nghe và hiểu, biết hiểu và thương, biết thương và hành động để thay đổi cuộc đời người mình thương, nếu đứa trẻ đó chưa được nếm hương vị yêu thương”…
Cho đến khi đứa trẻ (dù bao nhiêu tuổi) nhận ra rằng: Được yêu không quan trọng bằng cảm thấy yêu, có một ai đó để yêu, có một điều gì đó để yêu, để chăm sóc, để cảm thấy mình hữu dụng và hạnh phúc. Hành trình tìm kiếm khi đó sẽ dừng lại, và đứa trẻ sẽ trưởng thành trong giàu có rằng: Có đủ yêu thương để trao đi mà không tiếc nuối…
Bởi vậy, món quà quý nhất một người mẹ có thể tặng cho con là hạnh phúc của chính mình. Món quà quý nhất người cha có thể tặng cho con là tình yêu dành cho người mẹ. Đừng nói thương con, khi không thể thương nhau (dẫu không nhất thiết phải sống cùng nhau).
Mình tin chắc tất cả các bậc cha mẹ đều mong con khỏe mạnh, vui vẻ, an toàn, tiến bộ. Và mong mỏi con được học những thầy cô “tuyệt vời”. Chúng ta thường nghĩ thầy cô tuyệt vời có nghĩa là những thầy cô giỏi, có nhiều thành tích giảng dạy. Mình không nghĩ thế. Tuyệt vời trong suy nghĩ của mình đó là những người thầy cô cẩn thận, tỉ mỉ, giản dị, hòa đồng, kỉ luật. Họ không cố gắng gieo trồng điểm số, huy chương, bảng vàng mà cố gắng nuôi dưỡng sự cần cù, chăm chỉ luyện tập, niềm yêu thích với việc học của học sinh.
Hay nói cách khác, người thầy tuyệt vời dạy học trò về tình yêu - yêu những gì chúng làm, yêu cách học, yêu việc học, yêu người dạy. Họ khơi dậy sự tò mò, hứng thú với những điều mới và cả những điều cũ mèm nhưng vẫn thèm tìm tòi, nỗ lực, không ngừng cố gắng.
Người thầy tuyệt vời cũng biết giới hạn của mỗi học trò để đưa cho chúng những thử thách vừa tầm với từng cá nhân. Người thầy tuyệt vời nghiêm khắc nhưng yêu thương. Họ kiên nhẫn đợi chờ sửa sai. Họ cũng sẵn sàng nhận sai về bản thân nếu có. Người thầy tuyệt vời là tấm gương về lối sống. Họ chuẩn mực nhưng gần gũi, thân thiện… Và khi đó, sau một thời gian được học với “người thầy tuyệt vời”, mỗi đứa trẻ sẽ như bông hoa từ từ nở. Và đẹp theo vẻ đẹp riêng, không cần so sánh…
Cùng quan điểm, chị Trần Thu Hà cũng nhận định: Trẻ con không đòi hỏi nhà cao cửa rộng lắm đâu ạ. Tụi nó cần nhất là thời gian của ba mẹ. Nếu bận thì chỉ cần khoảng 15 phút chất lượng là cũng được rồi. 15 phút đó không nhìn vào điện thoại, không xem tivi, không lo nghĩ tới deadlines hay hợp đồng này kia, cũng đừng lo tới chậu đồ chưa giặt, nhà chưa sạch... 15 phút lắng nghe con, ngắm nhìn con, hiểu và chia sẻ với con... Và buổi học hiệu quả nhất, mà lại đỡ tốn kém nhất, an toàn nhất, là những bữa cơm quây quần bên nhau.
Sự thật là: Nói “Trăm sự nhờ cô!” là chỉ nói cho vui thôi. Trong cái “trăm sự” chỉ có khoảng 25 sự thuộc nhà trường. Thành công của trẻ phụ thuộc tới 75% vào giáo dục trong gia đình và tố chất bẩm sinh của bé. Cô giáo Brandy Young (Texas, Mỹ) viết thư cho phụ huynh rằng: “Những bài tập về nhà quyết định tới sự thành công của con, là cả gia đình cùng ăn tối, cùng đọc sách, chơi cùng nhau ngoài trời và cho con bạn đi ngủ sớm!”…
Và như thế, chúng ta không thể biết, chúng ta học được gì từ một đứa trẻ, khi chúng ta không dành thời gian để ngắm nhìn chúng lớn lên và trưởng thành. Ở đó luôn là những yêu thương vô bờ, những trong trẻo của trang giấy trắng tinh khôi! Cũng như chúng ta đã luôn giữ mãi những ký ức ấm áp như một bếp lửa, một bữa cơm chiều, những bữa trưa dù mẹ có bận đến bao nhiêu cũng vẫn luôn về nhà để đợi ta bên mâm cơm nóng!... Mỗi đứa trẻ sẽ có đủ yêu thương khi chúng biết được chúng đã được yêu ra sao, trong ngôi nhà thời thơ ấu, với những ký ức mang theo hành trang dằng dặc buồn đau hay hạnh phúc sau này của mỗi người…