Ngày trẻ sinh non thế giới: Yêu thương tạo nên kì tích

(PLVN) - Sinh con ra ai cũng mong muốn con được khoẻ mạnh, đủ ngày đủ tháng được vẹn tròn tuy nhiên có những đứa trẻ rất đặc biệt, chào đời sớm hơn rất nhiều tuần, bộ phận cơ thể chưa hoàn thiện, các con phải nằm lồng kính, đấu tranh để vượt qua cánh cửa sinh tử.

Trong ngành y tế định nghĩa trẻ sinh non là trẻ sinh ra dưới 36 tuần, có khả năng, phân nhóm dựa theo cân nặng và tuần thai. Theo tuổi thai, trẻ sinh non vừa từ 32-37 tuần, trẻ rất non từ 28-32 tuần, trẻ cực non dưới 28 tuần.

Theo cân nặng, trẻ có cân nặng thấp từ 1.500gr -2.500gr, trẻ có cân nặng rất thấp từ 1.000gr-1.500gr, trẻ có cân nặng dưới 1.000gr được coi là cực thấp.

Trước đây, việc nuôi dưỡng và cứu sống những trẻ sinh thiếu tháng chủ yếu thuộc nhóm rất non, có cân nặng rất thấp, song những năm gần đây, với sự tiến bộ của y tế, khoa học kỹ thuật, nhiều trẻ sinh cực non, có cân nặng cực thấp vẫn được nuôi sống.

Em bé sơ sinh được cho là nhẹ cân nhất thế giới là Richard Scott William Hutchinson sinh non khi mới 5 tháng và chỉ nhẹ 337 gram. Sách Kỷ lục Thế giới Guinness đã chứng nhận Richard là đứa trẻ sinh non nhất từng được sinh ra trên thế giới và thời điểm mới được sinh ra, cha mẹ của Richard có thể bế cậu bé chỉ bằng một tay. Cơ hội sống sót là 0% và sau 6 tháng chiến đấu thì điều phi thường đã xảy ra, cậu bé cuối cùng đã được xuất viện và tiến triển tốt.

Ở Việt Nam, ngày 9/9/2021 đã ghi nhận một trường hợp tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, các y, bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống một trẻ sinh non "siêu nhẹ cân".

Đó là bé Thái Thị A, khi chào đời chỉ nặng có 400gram, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế. Việc cứu sống bé sơ sinh "tý hon" này được coi là một kỳ tích. Hiện, đây là trường hợp nhỏ nhất được nuôi dưỡng thành công tại Việt Nam.

Đến với khoa sơ sinh tại các phòng ấp Kangaroo chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh xúc động các ông bố bà mẹ đang ngồi ôm ấp đứa con bé xíu của mình trong lồng ngực. Hay hình ảnh hàng dài những bố, mẹ hay ông, bà đang đợi gọi tên để mang sữa vào cho con cho cháu. Sau đó lại ngồi xếp hàng để nghe bác sĩ nói về tình hình của con. Dường như tất thảy công việc đều gác lại vì điều quan trọng và mong mỏi duy nhất lúc này là được thấy con, được biết con mình tiến triển tốt lên mỗi ngày.

Với trẻ sinh non, việc cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển cơ bản của trẻ là điều tất yếu tuy nhiên một việc quan trọng cho sự phát triển toàn diện của con sau này đó là tình yêu, hơi ấm mà bố mẹ truyền đến con thông qua phương pháp ấp Kangaroo.

Phương pháp da tiếp da nó không chỉ mang ý nghĩa về mặt khoa học mà nó còn chứa đựng vô vàn ý nghĩa nhân văn cao cả. Khi con được nằm trọn vẹn trong lồng ngực của bố mẹ, ta không chỉ theo dõi được hơi thở, biến chuyển của con mỗi giờ mà tình yêu, hơi ấm của bố mẹ truyền sang cho con đó sẽ là sức mạnh để con kiên cường vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy.

Bên cạnh đó trẻ sinh non với bộ phận trên cơ thể, hệ tiêu hoá chưa phát triển toàn diện thì sữa mẹ là lựa chọn, ưu tiên hàng đầu bởi trong sữa mẹ chứa vô vàn kháng thể tự nhiên giúp con khoẻ mạnh, đồng thời sữa mẹ cũng đảm bảo vệ sinh, chất lượng cho hệ tiêu hoá yếu ớt của con.

Hầu hết các bé sinh non không có khả năng bú hay phản sạ nuốt nên đòi hỏi bố mẹ cần kiên nhẫn làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, y tá để đảm bảo cho con. Và con khi được ăn sữa mẹ sẽ tạo nên sự gắn kết, là sợi dây vô hình buộc chặt giữa hai mẹ con giúp con phát triển toàn diện hơn về não bộ cũng như thể chất.

Trẻ sinh non với thể trạng kém đã có rất nhiều thiệt thòi và phải đối đầu với nhiều nguy cơ tiềm tàng. Các con, dưới sự chăm bẵm của các y bác sĩ và tình yêu thương bao la của bố mẹ chắc chắn các con sẽ mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách.

Ngày 17/11 “ Ngày trẻ sinh non thế giới” là ngày cả thế giới hướng đến những em bé sinh non với mong muốn các con - những em bé thiếu tháng nhẹ cân - sẽ kiên cường, vững trãi vượt qua mọi khó khăn, lớn lên khoẻ mạnh, sống biết yêu thương và trở thành người có ích cho xã hội.

Đọc thêm