Ngày vía Thần Tài của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng giêng hàng năm) được xem là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nhất là những ai làm nghề kinh doanh buôn bán.

Từ xưa, người dân Việt Nam đã xem Thần Tài là vị thần mang lại tiền tài, may mắn đến cho gia đình. Do có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, nên nhiều người đã quan tâm hơn đến vấn đề cần làm điều gì hay cần tránh điều gì trong ngày vía Thần Tài để cả năm tài lộc đến nhà, công việc thuận buồm xuôi gió.

Cách thờ, cúng Thần Tài

Theo người xưa, việc thờ Thần Tài sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ, nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán. Do đó, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh bàn thờ của vị Thần này trong nhiều gia đình Việt. Trong phong tục thờ Thần tại gia của người Việt, các gia chủ thường thờ Thần Tài chung với Thổ Địa trong một tủ thờ, tùy mỗi gia đình sẽ có cách sắp xếp cũng như bày trí khác nhau.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phong thủy , bàn thờ Thần Tài – Thổ Địa phải đặt dưới nền nhà, ở nơi trang nghiêm, có vách dựa với hàm ý tạo nên sự vững chắc, bền vững và phát đạt trong công việc. Trong tủ thờ, vị trí đặt tượng thờ hai vị thần (theo hướng nhìn chính diện) là bên trái đặt tượng Thần Tài còn bên phải đặt tượng Thổ Địa; phía sau tượng đặt bài vị màu đỏ dùng mực nhũ kim để viết và có nội dung là “Ngũ phương Ngũ thổ Long thần, Tiền hậu địa Chúa Tài thần”. Giữa hai bức tượng đặt ba hũ lần lượt đựng “gạo, muối và nước”, các hũ này chỉ được thay mới khi đến cuối năm. Phía trước là bát hương và khay nước…

Từ xưa, người dân Việt Nam đã xem Thần Tài là vị thần mang lại tiền tài, may mắn đến cho gia đình.

Từ xưa, người dân Việt Nam đã xem Thần Tài là vị thần mang lại tiền tài, may mắn đến cho gia đình.

Đến ngày vía Thần Tài, các gia chủ thường tất bật chuẩn bị chu đáo lễ vật để cúng Thần Tài nhằm bày tỏ lòng thành kính cũng như cầu mong cả năm tài lộc sẽ đến nhà và công việc được thuận buồm, xuôi gió. Chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo cho biết, những việc quan trọng cần làm trong ngày vía Thần Tài là lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đồ cúng và làm lễ cúng. Việc vệ sinh bàn thờ và tượng Thần Tài – Thổ Địa phải sử dụng nước thơm, nước có ngâm hoa hoặc rượu trắng.

Tuy theo phong tục của mỗi vùng miền, tuy nhiên mâm cúng ngày vía Thần Tài thì không thể thiếu những lễ vật sau: Mâm cỗ tam sên (gồm: 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc, tôm hoặc cua luộc), hoa tươi, trái cây tươi, 5 ly nước hoặc rượu xếp hình chữ thập (tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển), 5 củ tỏi, khay giấy tiền vàng bạc (dùng trong thờ cúng).

Theo tác phẩm văn khấn cổ truyền Việt Nam của tác giả Nguyễn Bích Hằng, mẫu văn khấn trong ngày vía Thần tài có nội dung như sau: Nam mô a di Đà Phật (3 lần)/ Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương/Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần/ Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân/ Con kính lạy Thần tài vị tiền/ Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này/ Tín chủ con là…, ngụ tại…/ Hôm nay là ngày…tháng…năm…, tín chủ thành tâm sửa biện lễ vật bày ra trước án kính mời ngày Thần Tài vị tiền/ Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm/ Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì/ Nam mô a di Đà Phật (3 lần).

Mua vàng xin “vía” Thần Tài

Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo lễ vật và bày biện mâm cỗ để cúng Thần Tài thì khi đến ngày Vía Thần Tài, người dân thường đổ xô đi mua vàng với suy nghĩ đầu năm mang vàng vào nhà thì cả năm tài lộc đầy nhà. Đối với chủ các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, vật phẩm phong thủy thì tranh thủ giới thiệu sản phẩm đa dạng mẫu mã nhằm thu hút khách hàng.

Khi được hỏi về việc mua vàng trong ngày vía Thần Tài, anh Nguyên (ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Nghe ông bà hay nói mua vàng vào ngày vía Thần Tài là may mắn nên cứ đến ngày này là mình sẽ đi mua vàng. Tuy nhiên, giá vàng hiện tại tăng cao hơn năm trước rất nhiều nên năm nay mình chỉ mua vài chỉ vàng tượng trưng”. Có lẽ trong ngày này, các sản phẩm được làm từ vàng sẽ được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn.

Trong ngày vía Thần Tài, các sản phẩm được làm từ vàng sẽ được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn.

Trong ngày vía Thần Tài, các sản phẩm được làm từ vàng sẽ được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn.

Theo một số chủ cửa hàng kinh vàng bạc, đá quý (đường 30/4, TP Cần Thơ), các sản phẩm được người dân lựa chọn mua trong ngày vía Thần Tài thường là nhẫn tròn (0.5 đến 2 chỉ) hoặc vàng miếng. Theo họ, nếu mua nhẫn tròn thì nên chọn mua nhẫn tròn trơn ép vỉ để đảm bảo chất lượng; còn đối với vàng miếng thì cần phải chú ý đến số seri, kiểm tra tuổi của vàng, cũng như hóa đơn chứng từ để tránh mua phải vàng “dỏm”.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà chia sẻ, không nhất thiết mua vàng đúng ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng hàng năm) thì mới may mắn, vàng mang vào nhà trong ngày này có thể được mua trước đó và chỉ cần được vệ sinh sạch sẽ bằng nước thơm rồi sau đó mang vào nhà là được. Bởi lẽ, bản chất của sự may mắn trong ngày này là bản thân gia chủ cần giữ tâm thái tích cực cũng như mang vàng vào nhà, chứ không phải đi mua vàng là được may mắn.

Có lẽ, ngày vía Thần Tài là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam, là dịp để họ bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần tại gia nhằm cầu mong một năm an khang thịnh vượng, tài lộc đầy nhà.

Đọc thêm