Ngày 27/5 vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề làm nước mắm ở Phú Quốc, phường Dương Đông, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo phát triển nghề, quảng bá cho một sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố đảo vươn xa tới thị trường trong nước và quốc tế.
Đảo Phú Quốc nằm trong vùng biển Tây Nam, là đảo lớn nhất Việt Nam, là trung tâm hành chính của thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nghề làm nước mắm Phú Quốc nổi tiếng hàng trăm năm. Theo các tài liệu ghi chép, từ cuối thế kỷ XIX, nghề đánh cá ven biển ở Phú Quốc gắn với nghề làm nước mắm với quy mô lớn, bảo đảm đời sống cho gần 2.000 cư dân. Cách đây hơn 200 năm, nghề làm nước mắm đã có ở Phú Quốc, người dân đánh bắt cá cơm còn tươi sống và ướp muối ngay trên tàu, trước khi mang về ủ trong thùng.
Nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển mạnh và hưng thịnh từ năm 1945 đến nay. Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Bộ Thủy sản cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1/6/2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam. Tháng 7/2013 Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Tháng 8/2013, Bộ Công thương trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc, từ đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và phát triển đến nay.
Dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng có thể nói rằng nghề làm nước mắm Phú Quốc là một di sản có giá trị rất lớn cả về lịch sử văn hóa và kinh tế. Nghề đã góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho lao động nghề làm nước mắm, vừa nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp một phần vào ngân sách địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, sản phẩm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế có xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm truyền thống.
Sau khi được Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm nước mắm Phú Quốc tiếp tục hướng tới việc được UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới bằng cách chú trọng phát triển chất lượng hơn là số lượng, để tiếp tục khẳng định chất lượng của thương hiệu. Điều này giúp tăng giá trị thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc, góp phần nâng tầm di sản văn hóa bản địa, giúp quảng bá hình ảnh thành phố đảo Phú Quốc đến với bạn bè quốc tế.