Ở miền Tây, người ta ít nuôi trâu để thịt, mà chủ yếu là nuôi để trâu ra đồng. Đối với người nông dân, con trâu thân thuộc, gần gũi giống như con chó, con mèo nuôi trong nhà. Người ta đặt cho chúng những cái tên riêng để khi kêu, chúng sẽ nghe và hiểu được. Dắt trâu ra ruộng, chỉ cần mang ách vào cho trâu rồi kêu tên và vuốt vào thân nó thì nó sẽ làm theo lệnh.
Từ sáng sớm tinh mơ, trâu cùng người ra đồng. Đến lúc chiều tà, trâu lại cùng người về nhà. Người ngồi vào mâm cơm rôm rả chuyện trò những việc đồng áng ngày mai. Trâu về nơi góc chuồng nằm thở phì phò sau một ngày dài mệt lả. Nuôi trâu, dùng trâu, nên thương trâu, để bù đắp cho những khổ cực của trâu, người nông dân sẽ bồi bổ cho trâu bằng bia với trứng gà hoặc rượu trắng với trứng gà để trâu lợi sức: “Từ khi nuôi trâu, cuộc sống, kinh tế nhà tôi ổn định hơn. Bình thường tôi làm khoảng 200.000đ/ngày, nếu có thêm con trâu nữa thì kiếm được tầm 250.000 – 400.000đ”, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ ấp Bình Hòa, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) tươi cười nói.
Nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa trâu và máy móc, người nông dân thích con trâu ở chỗ trâu linh hoạt, có thể len lỏi vào ngóc ngách, còn máy móc cồng kềnh không phải chỗ nào cũng chen vào được. Thêm vào đó, tiền đầu tư cho máy móc thì quá cao so với mức sống của người dân nông thôn nên mọi người thường tận dụng sức trâu vì nuôi trâu ít vốn hơn.
Gần hai mươi năm gắn bó với con trâu và cái nghề cộ lúa này, ông Nguyễn Văn Bé Năm (ngụ ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) không biết đã đi qua bao nhiêu vùng đất, dẫn trâu bao nhiêu cánh đồng. Ngồi nghỉ dưới gốc cây sau một buổi sáng kéo trâu đi thu những cuộn rơm, ông tranh thủ uống ngụm nước mát rồi phì phà mấy hơi thuốc lá. “Tôi nuôi con trâu này hơn 2 năm rồi. Mùa khô thì cho nó kéo rơm bằng miếng ga, mùa nước thì cho nó kéo lúa. Làm nghề này, mỗi năm 3 vụ, mỗi lần vào vụ 3 tháng. Những người sống bằng nghề trâu cộ lúa có khi 20 ngày, thậm chí 1 tháng họ không về nhà, ngày nào cũng bươn trải trên đồng và mỗi lần về sẽ kiếm về được vài chục triệu”, ông Năm nói về nghề.