Nghĩa tình Công an tỉnh Thừa Thiên Huế

(PLVN) - Công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là tình cảm mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội mà đó còn thể hiện lòng biết ơn đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa.

Trong những ngày cuối tháng 7 thiêng liêng, chúng tôi cùng đoàn các cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đến thăm gia đình bà Lê Thị Nữ có em trai là liệt sĩ Lê Thanh Lương tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gia đình bà Lê Thị Nữ là một trong những gia đình có người thân là thương binh, liệt sĩ, có hoàn cảnh khó khăn. Vì tuổi đã cao, sống neo đơn nên việc đi lại, ăn uống bà phần nào phải nhờ sự giúp đỡ từ bà con lối xóm. Bà xúc động khi được Hội Phụ nữ Công an tỉnh quan tâm, hỗ trợ giúp làm đường ống dẫn nước với số tiền 10 triệu đồng nhằm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Cũng trong dịp này, được sự ủy quyền của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Phong Điển tổ chức thăm và trao kinh phí sữa chữa nhà tình nghĩa cho ông Hoàng Minh Trí (SN 1962, trú tại xã Phong An), ông Dương Đăng Dũng (SN 1970, trú tại xã Phong Hiền) và ông Lê Quốc (SN 1964, trú tại xã Phong Thu). Đây đều là những gia đình chính sách của ngành có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng kinh phí hỗ trợ sữa chữa 3 căn nhà tình nghĩa nói trên là 120 triệu đồng, được trích từ Qũy Nghĩa tình đồng đội CAND, Bộ Công an. 

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 50 triệu đồng sửa chữa nhà tình nghĩa
 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 50 triệu đồng sửa chữa nhà tình nghĩa

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh, cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, luôn trân trọng, biết ơn, đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh to lớn của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Đồng thời, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt chính sách, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần để các đối tượng này khắc phục khó khăn, có cuộc sống ổn định.

Với tinh thần hướng về kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/07/1947 – 27/07/2020), từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã thực hiện trợ cấp khó khăn đột xuất đối với 116 CBCS và gia đình chính sách của ngành với số tiền hơn 140 triệu đồng, tổ chức khánh thành 03 nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ tại huyện Phú Vang; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho 5 trường hợp với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, chủ trương của lãnh đạo Bộ công an, Công an tỉnh đã nhận chăm sóc và phụng dưỡng suốt đời 6 Mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng trong dịp này, Công an các đơn vị, địa phương, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên Công an tỉnh khối thi đua Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Khối xây dựng lực lượng- Hậu cần đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa, thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.   

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa nhà tình nghĩa
 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa nhà tình nghĩa

Sự quan tâm giúp đỡ những gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhằm cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta và cũng là trách nhiệm toàn xã hội với những gì mà cha anh đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là tình cảm mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Đó là lòng biết ơn đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Chính vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Đọc thêm