Nghịch lý vốn dồi dào nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận

(PLVN) -Trong điều kiện kinh doanh tốt hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng vẫn luôn là vị trí quan trọng nhất. Điều nghịch lý rằng, hiện nguồn vốn được cho là dồi dào, nhưng hầu như các doanh nghiệp đều cho rằng rất khó để tiếp cận.
Tín dụng luôn là câu chuyện quan trọng nhất của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận khoản vay ngày càng giảm

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, xuất nhập khẩu (XNK) là 1 trong 5 lĩnh vực ngân hàng phải dành nguồn lực ưu tiên. Trong đó đối với những doanh nghiệp (DN) sản xuất để xuất khẩu sang những khu vực hiệp định thương mại tự do là một trong những đối tượng được ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn, hiện nay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD. Thực tế 10 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 7 - 8% nhưng tăng trưởng đối với lĩnh vực XNK là 11,61%, cao hơn so với cả năm 2022.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đánh giá, sự chung tay của Chính phủ, của ngành Ngân hàng giúp cho DN trong 6 tháng vừa qua, không chỉ ở chuyện 3 - 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Đặc biệt với DN lĩnh vực lâm, thủy sản, Chính phủ và ngân hàng quan tâm đã có thêm gói hỗ trợ 15 ngàn tỷ đồng.

“Theo số liệu chúng tôi có được, hiện đã có hơn 60% gói tín dụng này được giải ngân. Điều này khiến chúng tôi giảm áp lực rất nhiều, ít nhất tạo ra một dư địa trong 2 tháng trở lại đây tính từ thời điểm tháng 8/2023. Có thể nói, hiện nay, xuất khẩu thủy sản đã có sự tăng trưởng tính theo tháng. Điều này đến từ sự góp sức của nguồn tín dụng, giúp DN giảm áp lực và có ít nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh” - ông Nam nói.

Tuy nhiên, dẫn các báo cáo tình hình tiếp cận ngân hàng của các tổ chức đã công bố, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, tình hình tiếp cận nguồn vốn của DN ngày càng giảm. Nếu như năm 2017 tỷ lệ DN có khoản vay từ ngân hàng và tổ chức tín dụng là 49,4% thì năm 2018 và 2019 con số này đã giảm xuống 45% và 43%. Đến năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện thì tỉ lệ này lại giảm tiếp đi, chỉ còn 42,9%. Và tỷ lệ này đã giảm trầm trọng vào các năm 2021 với 35,4% và năm 2022 chỉ còn 17,8%.

Phân tích nguyên nhân DN không thể tiếp cận nguồn vốn, đại diện VNBA cho rằng, mặc dù ngân hàng có lượng thanh khoản rất dồi dào nhưng vẫn phải cho vay theo một nguyên tắc “phải bảo đảm đúng quy định”, không thể hạ chuẩn để cho vay. Có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn mọi điều kiện. Nguyên tắc, thủ tục cho vay phải đáp ứng thì DN mới tiếp cận được. Trong khi đó, sau khi trải qua 2 năm COVID-19, nhiều DN đã phải dồn hết lực, có những DN bán hết cả tài sản đi để duy trì được lực lượng sản xuất (dù đã thu gọn lại), dẫn tới DN cạn kiệt về nguồn lực. Chưa kể, khi vừa mới khởi sắc trở lại sau dịch thì kinh tế toàn cầu lại khó khăn, đơn hàng không có.

“Ngân hàng không thể tiếp tục bơm vốn trong điều kiện DN không còn một nguồn lực gì nữa, tài sản thì hết, nợ thì cơ cấu lại, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi rồi, không còn nguồn nào nữa” - Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nói.

Cần nhìn lợi ích chung của cả nền kinh tế

Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, trong giai đoạn DN cùng lúc gặp nhiều khó khăn cả về thị trường, về dòng tiền, về nguồn vốn, đặc biệt là vấn đề thị trường thì câu chuyện về tín dụng, trong đó có lãi suất tạo ra một áp lực rất lớn cho các DN. Khi thị trường giảm sút đến 30 - 40% thì cộng đồng DN đã biết “nút thắt” quan trọng nhất chính là vốn và tín dụng. “Trong những kiến nghị của chúng tôi với Chính phủ, với các Bộ, ngành, đầu tiên vẫn là vấn đề tín dụng” - ông Nam nói.

Đáng chú ý, theo ông Nam: “Cần nhìn “bài toán” về dòng tiền, nguồn vốn, đặc biệt là vốn lưu động dưới góc độ của một nền kinh tế, không nên nhìn dưới góc độ chỉ có DN với DN, của một bên cho vay và một bên vay thì rõ ràng như giai đoạn trước tháng 6/2023, hai bên đã không thể gặp nhau”. Do đó, trong một nền kinh tế rất cần nhạc trưởng, đó chính là Chính phủ để có các chỉ đạo điều hành cả về khung khổ pháp lý. “Bởi vì bên nào cũng giữ cái gọi là an toàn hệ thống của mình thì rõ ràng nền kinh tế nói chung sẽ chịu thiệt hại đầu tiên” - ông Nam nhận định.

Dẫn đặc thù của ngành hàng thủy sản, trong bối cảnh giảm cầu của thế giới, DN thủy sản vẫn phải sản xuất vì các mặt hàng thủy sản không thể để “tồn kho dưới nước”, ông Nam cho rằng, khi cần thiết và trong bối cảnh đặc thù của một ngành hàng nào đó, ví dụ đặc thù của thủy sản thì thị trường tín dụng phải có một góc nhìn dưới dạng là “win - win” làm sao để nền kinh tế, chuỗi ngành hàng này sản xuất được bình thường.

“Rõ ràng kể cả trong điều kiện kinh doanh tốt hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng vẫn luôn là vị trí quan trọng nhất, bởi vì nó là một “dòng máu” bơm vào để duy trì sản xuất và phải sản xuất bình thường kể cả khi khó khăn” - ông Nam nói.

Đọc thêm