Ngỡ ngàng vẻ đẹp thanh bình ở cánh đồng rễ Côn Sơn

(PLVN) - Ngay dưới chân núi Côn Sơn (thuộc TP Chí Linh, Hải Dương) dưới rừng thông mênh mông, bát ngát là một cánh đồng rễ xanh mướt, bạt ngàn, lốm đốm những nụ hoa trắng li ti toả hương thơm ngát. Những ngày này, người dân nơi đây đang trong vụ thu hoạch cây rễ nhưng cánh đồng rễ vẫn là điểm đến thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.
Cánh đồng rễ Côn Sơn đầy thơ mộng
Cánh đồng rễ Côn Sơn đầy thơ mộng

Mỗi một miền quê đều có nét đặc trưng riêng và ở vùng đất Hải Dương giàu truyền thống anh hùng cũng vậy. Hễ ai nhắc đến cây rễ là biết ngay đó là đặc trưng của con người và vùng đất Chí Linh “địa linh nhân kiệt”. Vẻ đẹp thơ mộng của cánh đồng rễ nơi đây khiến ai tới chiêm ngưỡng cũng đều xuýt xoa, thích thú.

Khu cánh đồng rễ Côn Sơn, nằm ở phía nam khu di tích Côn Sơn, thuộc khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hoà, TP Chí Linh, Hải Dương rộng chừng 20 ha, trải dài từ dưới chân dãy núi Kỳ Lân xen kẽ trong tán rừng thông kéo ra đến gần quốc lộ 37.

Một góc ở cánh đồng rễ Côn Sơn.
 Một góc ở cánh đồng rễ Côn Sơn.

Anh Dương Công Hùng, một người dân sinh sống tại khu dân cư Tiên Sơn cho biết, cây rễ còn có tên gọi là cây "thanh tao hoa trăng". Cây rễ được trồng từ bao giờ không ai rõ mà chỉ được nghe các cụ truyền lại rằng, Tư đồ Trần Nguyên Đán sau khi cáo quan về ở ẩn tại vùng núi Côn Sơn đã trồng rất nhiều thông, còn vợ ông thì trồng rễ. Đây cũng là hai loại cây đặc trưng và gắn liền với con người, mảnh đất Côn Sơn từ thưở đó. Trải qua bao năm tháng, cây rễ nơi đây không chỉ thu hút du khách đến chiêm ngưỡng mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Anh Dương Công Hùng, một người gắn bó với cây rễ hàng chục năm chia sẻ về cánh đồng rễ Côn Sơn.
Anh Dương Công Hùng, một người gắn bó với cây rễ hàng chục năm chia sẻ về cánh đồng rễ Côn Sơn.

Anh Hùng chia sẻ, cánh đồng rễ Côn Sơn được tỉnh giao cho phường Cộng Hoà quản lý. Sau đó, phường đã giao cho một số hộ dân khu dân cư Tiên Sơn nhận thầu bảo vệ, chăm sóc và khai thác, trong đó có gia đình anh Hùng. Tính đến nay, gia đình anh đã trải qua hơn 30 năm mưu sinh bằng cánh đồng rễ này. Hiện gia đình anh đang nhận chăm sóc mấy hecta cây rễ.

Thời điểm này các hộ dân đang thu hoạch cành rễ.
 Thời điểm này các hộ dân đang thu hoạch cành rễ.

Theo anh Hùng, cánh đồng rễ này sẽ được người dân chăm sóc từ đầu năm đến cuối năm thì thu hoạch. Việc chăm sóc rễ cũng đầy khó khăn, vất vả không khác chăm sóc cây lúa. Vào tháng Giêng có mưa xuân, mưa phùn, từ gốc cây rễ sẽ nẩy nhánh. Sau đó, người dân sẽ mang phân hữu cơ ra bón cho gốc rễ, làm cỏ, bắt sâu, phun sâu cho đến khi các nhánh mọc dài ra trải kín đất. Thời tiết mưa nhiều, cành rễ càng phát triển, cho sản lượng cao. Thời tiết nắng nhiều, cành rễ phát triển chậm và cho sản lượng thấp.

Hàng năm, vào tầm khoảng tháng 9 Âm lịch, các hộ dân sẽ tiến hành thu hoạch rễ bằng cách cắt cành, bó thành từng bó mang về đem về phơi khô, đập lá. Lúc này, cây rễ sẽ được buộc chặt lại làm thành cây chổi rễ dùng để quét sân vườn… Việc thu hoạch rễ sẽ diễn ra trong tầm 1,5 tháng – 2 tháng.

Nhiều hộ dân mưu sinh, bám trụ với cây rễ.
 Nhiều hộ dân mưu sinh, bám trụ với cây rễ.

Những ngày đầu, khi việc sử dụng chổi rễ chưa được rộng rãi, người dân thường mang các cây chổi rễ đi bán ở khắp nơi như các chợ, thôn xóm… nhưng vài năm trở lại đây, nhiều lái buôn, vựa thầu từ các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… đã đến tận nhà dân mua để giao bán cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị để người ta quét dọn, vệ sinh nhà cửa.

Thời điểm này, các hộ dân cũng đang trong thời gian thu hoạch cây rễ. Hôm nào thời tiết nắng to, rễ phơi sẽ nhanh khô, màu đẹp. Rễ được bán theo cân, giá hiện tại là 25 nghìn/cân. “Nhưng cũng có những năm, các thương lái không bán được, họ sẽ không đến mua nữa. Rễ khô bị đọng lại, chúng tôi lại phải bảo quản trong kho thật cẩn thận từ năm nay sang năm sau. Tuy nhiên, rễ để trong kho chừng nửa năm cũng sẽ bị thay đổi về màu sắc. Nó bị sẫm đi mà không vàng như ban đầu. Nhưng gắn bó với cây rễ đã lâu nên chúng tôi vẫn quyết mưu sinh bằng cánh đồng rễ này”, anh Hùng cho biết.

Nhiều bạn trẻ đã tìm đến cánh đồng rễ Côn Sơn để check in, chụp ảnh, trải nghiệm.
 Nhiều bạn trẻ đã tìm đến cánh đồng rễ Côn Sơn để check in, chụp ảnh, trải nghiệm.

Cánh đồng rễ Côn Sơn đã góp phần đáng kể vào phát triển đời sống kinh tế của người dân nơi đây nhưng bên cạnh đó, với cảnh quan đẹp, những năm gần đây khu bãi rễ này còn trở thành một điểm du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh rất thú vị. Mỗi năm, cánh đồng rễ đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách khắp nơi về đây chụp ảnh, trải nghiệm. Nhận ra được lợi thế này, một số hộ dân cũng đã tận dụng cánh đồng rễ để làm “phim trường” để các bạn trẻ đến quay phim, chụp ảnh cưới, ảnh kỷ niệm…

Nơi đây đã và đang ngày càng thu hút du khách tới tham quan và chiêm ngưỡng.
 Nơi đây đã và đang ngày càng thu hút du khách tới tham quan và chiêm ngưỡng.

Theo đại diện Ban Quản lý di tích Côn Sơn, cánh đồng cây rễ hiện đã được khoanh vùng bảo vệ là một di tích về danh nhân Trần Nguyên Đán. Bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa, cánh đồng cây rễ còn mang giá trị kinh tế. Hình ảnh về cánh đồng cây rễ được chia sẻ trên mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch. Tuy không phải mùa lễ hội, nhưng hiện nay lượng khách về thăm Côn Sơn nhiều hơn so với mọi năm. Du khách đến với Chí Linh không những chỉ tham quan khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mà còn chiêm ngưỡng cả cánh đồng cây rễ độc đáo này.

Đọc thêm