Đền Cờn bên biển Quỳnh xinh đẹp
Đền Cờn thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An từ xưa tới nay được biết đến là một trong những nét văn hóa tâm linh quan trọng của người dân làng Kẻ Càn (nay là làng Phương Cần) nói riêng và người dân Nghệ An nói chung. Đền Cờn được chia thành đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài, hợp thành một thể thống nhất “hai trong một”.
Tuy nhiên, một đền nằm trong đất liền, còn một đền nằm ngoài cửa biển. Đền Cờn Trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng sông Mai Giang thơ mộng, sau đền có hai đồi nhỏ nhô lên như cánh phượng, tọa lạc ở vị trí phong thủy hiếm có “đầu tựa sơn, chân đạp thủy” thờ Tứ vị thánh nương Nam Hải đại càn quốc gia. Đền Cờn Ngoài cách đền Cờn Trong khoảng một km đi sâu vào trong làng, án ngự trên dãy núi Thằn Lằn, mé cửa biển lạch Cờn.
Đền Cờn được xem là ngôi đền linh thiêng nhất Nghệ An, đứng đầu 4 đền nổi tiếng (nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng). Không chỉ linh thiêng mà còn có cảnh quan xinh đẹp, mang đậm dấu vết lịch sử và có một sự tích kỳ bí. Đứng sau đền Cờn là đền Quả ở Bạch Ngọc (Đô Lương) thờ Lý Nhật Quang; đền Bạch Mã ở Võ Liệt (Thanh Chương) thờ Phan Đà, một võ tướng thiếu niên của Lê Lợi; rồi đến đền Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, trước ở Cửa Sót (Thạch Hà, Hà Tĩnh) sau ở xã Nghĩa Liệt, dưới chân núi Lam Thành (Hưng Nguyên), nơi đã từng là trấn lỵ của trấn Nghệ An trong nhiều đời và qua nhiều thế kỷ.
Biển Quỳnh thơ mộng |
Theo sử sách, ngôi đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, lúc đầu làm bằng tranh tre nứa lá nhỏ bé. Đền được dựng lên để thờ tứ vị thánh nương là ba mẹ con Công chúa nước Nam Tống là: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai Công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đền còn thờ cả các vị thần là vua Tống Đế Bính, các quan Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu… Đền còn thờ một khúc gỗ thiêng và vỏ hạt lúa.
Đại Việt sử ký Toàn thư và Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ: “Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền ba quân đến cửa Càn Hải tức cửa Cờn, xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, dừng lại nghỉ ngơi.
Ban đêm nhà vua mộng thấy nữ thần khóc và nói: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm Thần biển ở đây đã lâu, nay bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Sáng sớm hôm sau nhớ lại, Trần Anh Tông cho mời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích, liền vào đền kính tế. Ra đi biển trời lặng gió, vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn thắng trận lớn. Năm sau vua trở về cho dựng đền ngói, bốn mùa cúng tế và phong là Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh nương”.
Về sau, đền Cờn Ngoài thờ các vị thần như: Tống Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu... Theo lời truyền khẩu trong dân gian Phương Cần, sự ra đời của ngôi đền Ngoài liên quan đến “giấc mộng của Vua Hồng Đức”.
Tương truyền, năm Hồng Đức thứ 11 (1470), Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm thắng trận trở về. Thuyền đến cửa Biện (Thanh Hóa), bỗng gió đông thổi mạnh, phải quay lại cửa Cờn. Nhà vua vào làm lễ tạ thần đền, thấy Đế Bính được thờ chung với các bà, cho rằng theo Nho giáo “nam nữ bất đồng cung”, bèn sai dựng đền Ngoài để thờ Tống Đế Bính và các trung thần Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu. Hiện một số hiện vật ở đền Ngoài đã bị mất mát, một số khác được đưa vào đền Trong cất giữ. Những dấu tích còn lại của ngôi đền như chân cột nanh, các bậc tam cấp, mặt bằng nền móng, cho thấy quy mô kiến trúc cũ của ngôi đền vẫn còn lưu lại.
Và những huyền tích liêu trai
Truyền thuyết được người dân trong vùng nhắc tới nhiều nhất là: Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1235), quân Nguyên đánh úp quân Tống. Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu là trung thần nhà Nam Tống, đem Vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sĩ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn. Quân Nguyên truy sát gấp rút, lại gặp sóng to, gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông. Chỉ còn Hoàng hậu và hai người con gái bám vào được một mảnh ván gỗ, để mặc cho nước trôi sóng dạt. May mắn cho mẹ con Hoàng hậu khi được vị sư chùa núi Cốc cứu vớt và cho nương nhờ.
Thời gian sống chung trong chùa khiến nhà sư động lòng trần với Hoàng hậu nhưng bà nhất mực cự tuyệt. Cảm thấy đau lòng và xấu hổ, nhà sư lấy dao đâm vào cổ tự tử. Trước sự cố này, Hoàng hậu nghĩ rằng mình là nguyên nhân cái chết của ân nhân nên cũng lao mình xuống biển. Hai người con gái cũng trẫm mình theo... Thi thể 3 mẹ con Hoàng hậu trôi dạt vào cửa Càn. Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối, nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra một mùi thơm như lan, như quế lấy làm kỳ lạ. Nhìn kiểu ăn mặc và nhờ những tin tức nhận được, các quan chức cũng đoán ra đó là ba mẹ con bà Hoàng hậu Đế Bính. Dân chúng đã tạc tượng ba mẹ con, lập đền thờ trên Gò Diệc (cồn Càn) gọi là đền Cờn.
Những cụ bà ở đền Cờn Ngoài. |
Còn về vị sư chùa núi Cốc đã cứu vớt và cưu mang mẹ con Hoàng hậu, đã được nhân dân Phú Lương (Quỳnh Lương) dựng đền thờ đặt tên là đền Quy Lĩnh, phía sau là rú Ói, trước mặt là biển.
Ngoài ra, hai ngôi đền còn gắn liền với hai sự kiện Vua Trần Anh Tông và về sau là Vua Lê Thánh Tông trong lần chinh Nam đã ghé vào cầu đảo, nhờ được thần linh trong đền phù hộ mà giành thắng lợi lớn trở về. Do đó, mỗi lần khi xuất hành ra khơi, người dân đến đền Cờn cầu khấn đều thấy linh nghiệm. Sau này, dân làng Kẻ Càn vì muốn đền Cờn càng linh thiêng hơn nữa, nên đã đến hòn Ói, tìm cách lấy bát hương thờ nhà sư ở đền Quy Lĩnh về thờ chung với mẹ con Hoàng hậu để “ông về với bà” và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng ngày xưa của nhà sư. Thế nhưng, nhân dân Phú Lương không cho và kiên quyết giữ ông ở lại. Chính vì ông bà ở hai nơi như thế nên hàng năm mới có tục “chạy Ói” tức là từ đền Cờn, chạy vào hòn Ói, nơi có đền Quy Lĩnh để rước ông về…
Và ngay những tấm gỗ, cột đình nghìn tuổi ở đền Cờn cũng có nhiều huyền thoại. Cách đây rất lâu, chẳng ai nhớ là năm nào, năm đó lũ lụt rất to, sau khi nước rút, một khúc gỗ trầm hương mắc kẹt vào bến đò cũ nên người dân làng Kẻ Càn vớt vào bờ. Lạ lùng thay, ai chạm vào khúc gỗ cũng bị chảy máu nên dân làng đều sợ hãi. Một người già trong làng vốn có kinh nghiệm bèn lập đàn cầu khấn: “Là khúc gỗ độc thì sẽ thả trôi sông, còn nếu là thần hiển linh thì đừng gây chảy máu cho người dân nữa mà hãy nằm yên để chúng con đưa về thờ cúng”.
Dứt lời, khúc gỗ nằm yên, mọi người lấy tay chạm vào đều không sao! Cho đến nay, khúc gỗ thần ngày ấy đã được chế tạo thành cột trong đền Cờn. Trải qua thử thách của thời gian, bao mưa bom, bão đạn của chiến tranh, những cột đền ấy vẫn vẹn nguyên. Người dân ở đây một mực tin rằng, do hồn của bốn mẹ con Thái hậu nhập vào khúc gỗ trầm hương nên mới hiển linh kỳ lạ như vậy.
Tương truyền Tứ vị thánh nương đền Cờn rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trong đền, kể cả một lá cây hay một cành gỗ, sẽ phải nhận lấy những kết cục đáng buồn, phải đem trả lại mới yên. Xưa ở làng, có hai cô giáo tiểu học vì thiếu thước kẻ để dạy học sinh nên vào đền Cờn để rút mấy thanh gỗ về làm thước. Thế rồi, đang khỏe mạnh bình thường thì một cô bỗng dưng tóc rụng trọc lốc. Lạ lùng thay, cô giáo đi cùng cũng có biểu hiện tương tự. Biết là mình đã “phạm thượng” nên khi nghe cao nhân trong làng mách, hai cô đã chuẩn bị lễ vật đến trước cửa đền quỳ gối xin tạ tội. Không lâu sau đó thì tóc hai cô mọc lại và sức khỏe ổn định.
Trong sử sách ghi, đền Cờn thờ “Tứ vị thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia” đã có lịch sử gần 1.000 năm, nhưng có ý kiến lại cho rằng, thờ Mẫu là cái hồn cốt của đền Cờn. Và xa xưa nữa là thờ thần hạt lúa, thần sông, thần biển gắn với cả ước mong phồn thực trong mùa màng làm ăn và chài lưới. Theo thông lệ, cứ ngày 19 đến 21 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Phương Cần cùng du khách thập phương lại mang lễ vật về đây để tưởng nhớ công đức của các vị thánh nương, thánh mẫu và tham gia lễ hội.
Trải qua hàng ngàn năm, tục thờ Tứ vị Thánh nương đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của người dân làng Kẻ Càn và những người buôn bán, đánh bắt trên sông nước. Đây là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh quan trọng thu hút đông đảo người dân xứ Nghệ và du khách thập phương hằng năm. Mùa lễ hội đền Cờn hàng năm được tổ chức vào các ngày 19, 20, 21 tháng Giêng m lịch. Là ngôi đền với những lễ hội cổ xưa nhất của xứ Nghệ, Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh nơi cửa biển từ ngàn đời nay.
Bởi thế, đứng trước biển Quỳnh mênh mông sóng vỗ hòa quyện với mây trời, vừa thực vừa ảo, danh hào Nguyễn Du khi đến viếng đền Cờn đã khắc họa thành thơ:
Mặt nước mênh mông bể lẫn trời
Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi
Bến phú chiều tà cây man mác
Cửa bể thu dần khói tả tơi...