Ngôi trường chờ sập

(PLVN) - Đóng tại xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), sau gần 20 năm tồn tại, Trường THCS Long Lộc đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt dãy phòng học cũ, hệ thống tường đã bong tróc vá víu chằng chịt. Nguy hiểm nhất là phần mái trường với hệ thống hoành, xà, rui làm bằng gỗ đã bị mối mọt không còn đủ sức “gánh” lớp ngói phía trên.
Những dãy phòng học được xây dựng từ 20 năm trước giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Những dãy phòng học được xây dựng từ 20 năm trước giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Điều chúng tôi lo nhất không phải là mưa dột nữa. Mưa dột thì có thể tìm chỗ tránh; chứ mưa xuống mái ngói nặng, hoành, xà, rui mục rỗng hết rồi nếu cả mái đổ ập xuống thì nguy hiểm không thể tượng tưởng nổi. Nhà trường cũng đã phải di dời một số lớp học xuống phòng chức năng để đảm bảo an toàn”, một giáo viên tại đây chia sẻ.

Hai thập kỷ trước, ngôi trường được xây dựng lên trên vùng đất khó tại miền Tây xứ Nghệ, được xem là “điểm sáng” của cả vùng về giáo dục. Học sinh nơi đây không còn phải lặn lội vượt hơn chục km để đến điểm trường chính tìm chữ. Tuy nhiên trường chỉ được xây bằng vôi vữa thông thường, không có xi măng.

Hàng năm, chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh học sinh cũng chỉ sửa chữa tạm phần tường bị bong tróc và một số vị trí nguy hiểm. Còn lại do kinh phí quá hạn hẹp nên vẫn chưa thể tu sửa toàn diện đảm bảo an toàn. 

Cô Trương Thị Nhâm, Hiệu trưởng Trường THCS Long Lộc cho biết, trường được xây dựng cách đây 20 năm bằng các vật liệu thô sơ, vôi vữa. “Thời điểm xây dựng ngôi trường là một kỳ tích ở xã Nghĩa Lộc này rồi, là nơi để các cháu có chỗ học hành thuận tiện hơn... Hiện nay thì ngôi trường xuống cấp hết sức nguy hiểm cho các em học sinh và giáo viên. Chúng tôi phải chuyển các cháu sang phòng học âm nhạc để học tạm. Còn 4 phòng hơn 150 em học trong dãy nhà đó”.

Tại những vị trí giao giữa các cột, dầm cũng gãy rời ra vô cùng nguy hiểm.
Tại những vị trí giao giữa các cột, dầm cũng gãy rời ra vô cùng nguy hiểm. 
Nguy hiểm nhất là hệ thống hoành, xà, rui đã mục rỗng không còn đủ sức gánh lớp ngói đặc biệt là khi mùa mưa bão đến.
Nguy hiểm nhất là hệ thống hoành, xà, rui đã mục rỗng không còn đủ sức gánh lớp ngói đặc biệt là khi mùa mưa bão đến. 

Theo báo cáo của Trường THCS Long Lộc, năm học 2020 - 2021 có 10 lớp với 336 học sinh tại phân hiệu 2 đóng trên địa bàn xóm Khe Sài 2 - xã Nghĩa Lộc. Hiện tại có các dãy nhà cấp 4 đã được xây dựng từ năm 2000 nay đã xuống cấp quá nặng. 

Cụ thể: Có 7 phòng học cấp 4 do xây dựng bằng sò tự nhiên và vôi nên bị lở rất nhiều, phần mái ngói, hệ thống đỡ ngói (xà gồ, cầu phong, li tô) đã bị mối, mọt ăn làm mục nát có thể rơi, sập bất cứ lúc nào. Dãy nhà văn phòng cũng hư hỏng nặng và còn nhiều hạng mục khác xuống cấp. 

Năm học 2020 - 2021, trường đã đề nghị xã có phương án giải quyết. Địa phương cũng đã đưa vào lộ trình xây mới 10 phòng học trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025. Nhưng phòng học đã xuống cấp quá nặng, vì vậy trường tiếp tục làm báo cáo trình Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Lộc sớm có kế hoạch tu sửa, xây mới.

Ông Ngô Sỹ Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc, chia sẻ thực tế nhiều hạng mục tại trường như nền tường, trần, hoành, gỗ … đều đã mục nát, hư hỏng. “Hằng năm trước thềm năm học mới chúng tôi phối hợp nhà trường, hội phụ huynh và địa phương tu sửa nhưng không ăn thua. Trong kế hoạch trung hạn 2021-2026, địa phương có đăng ký với huyện 10 phòng học, tuy nhiên trước mắt để phục vụ trong năm học này khi mà mưa bão đến gần là rất cấp bách. Nếu mưa bão xảy ra, chắc chắn phải cho các em nghỉ học”.

Trong khi đang chờ nguồn vốn từ cấp trên phân bổ về thì ngôi trường, nơi có hàng trăm học sinh và thầy cô giáo hằng ngày vẫn bám trường, bám lớp giảng dạy và học tập, thì tính mạng của họ đang như bị đánh cược. 

Đọc thêm