Ngư dân đổi phương án đi biển chống đỡ “bão giá” xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua xăng dầu tăng giá liên tiếp khiến ngư dân gặp khó. Ghi nhận tại Hà Tĩnh, nhiều tàu thuyền nằm bờ vì ra khơi không có lãi hoặc giảm số hải lý ra khơi.
Nhiều tàu cá ở Hà Tĩnh phải đổi phương án đi biển, giảm số hải lý ra khơi để “cầm cự” mưu sinh trong “bão giá” xăng dầu.
Nhiều tàu cá ở Hà Tĩnh phải đổi phương án đi biển, giảm số hải lý ra khơi để “cầm cự” mưu sinh trong “bão giá” xăng dầu.

Hơn 1 tháng nay tại khu vực cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) nhiều tàu cá nằm bờ. Đây là cảng cá lớn tỉnh Hà Tĩnh, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình cập cảng để bán hải sản sau mỗi chuyến ra khơi. Tuy nhiên, thời điểm này tại cảng cá, nhiều tàu thuyền lớn do thời tiết xấu cộng với giá dầu đang tăng cao nên không mặn mà ra khơi.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn Hà Tĩnh có 3.560 tàu cá với hơn 15 ngàn lao động trực tiếp và 35 ngàn lao động hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá. Đây được xem là một trong những ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ngư dân ngại ra khơi trong thời điểm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng đánh bắt hải sản, nguồn cung trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thái (ngụ thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) cho biết, Tết Nguyên đán đến nay, tàu của ông ra khơi được 4 chuyến thì 2 chuyến hoà vốn, 2 chuyến sau không đủ trả tiền dầu và tiền công cho 4 ngư dân. “Thời điểm này ngư dân phải dùng thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ (vùng lộng) sáng đi, trưa về kiếm sống qua ngày, chứ không dám đi thuyền lớn ra khơi đánh cá dài ngày. Như tàu cá của gia đình tôi mỗi chuyến ra khơi dài ngày trước đây mất từ 6 - 8 triệu đồng tiền dầu. Nay dầu tăng giá, nếu đi dài ngày mất 12 - 15 triệu đồng thì tôm, cá không đủ trả chi phí chứ chưa nói trả tiền công cho ngư dân”, ông Thái nói.

Ngư dân Nguyễn Văn Đạo (xóm Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) buồn bã cho hay, ra Tết đến nay giá nhiên liệu liên tục tăng khiến con tàu trên 90CV của ông vẫn phải nằm bờ nhiều ngày. Với tàu thuyền nhỏ, đi về trong ngày, mỗi lần ra khơi mất khoảng 1 - 3 triệu đồng tiền nhiên liệu, còn với tàu công suất lớn, chi phí hàng chục triệu đồng. “Không chỉ tôi mà nhiều ngư dân phải thay đổi phương án đi biển, giảm số hải lý ra khơi để tránh thua lỗ khi chi phí tăng cao”, ông Đạo nói.

Sinh ra ở miền biển, theo nghề hơn 40 năm nay, ngư dân Đạo chỉ nghỉ ra khơi khi biển động hay mùa mưa bão. Nhưng khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng, kéo theo các chi phí cho chuyến ra khơi như đá lạnh, thực phẩm cũng “nhảy số”, ngư dân Đạo phải tính toán kỹ về ngày đánh bắt hải sản để giảm bớt chi phí.

Cũng theo ông Đạo, tình hình dịch bệnh như hiện nay kéo theo đó sức mua của người dân và thương lái giảm đi nhiều, vì vậy ngư dân không thể tăng giá để bù cho chi phí xăng dầu. Vì hải sản đánh bắt về, thương lái không thu mua nhanh thì càng mất giá, càng lỗ nặng.

Tại xã Thạch Kim có khoảng trên 100 tàu thuyền công suất lớn, hiện chỉ chưa đầy 50% tàu thuyền hoạt động, còn lại neo bờ. Số tàu ra khơi cũng thu nhập thấp, ngày công chưa được 200 ngàn đồng/người. Vì chi phí cao hơn thu nhập nên người dân cũng không mặn mà với nghề biển.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh dự báo: “Hoạt động đánh bắt của ngư dân chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thay đổi của thị trường, nhất là sự “leo thang” của giá xăng, dầu. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài thì sẽ còn rất nhiều tàu thuyền phải nằm bờ”.

Đọc thêm