Ông Nguyễn Văn Minh (SN 1961, hiện đang chạy xe ôm ở Làng Đại học, thuộc vùng giáp ranh giữa Thủ Đức, TP HCM và Dĩ An, Bình Dương) được người ta đặt cho cái tên “Minh cô đơn”. Mà cô đơn thật, bởi ngoài tấm lòng hành hiệp trượng nghĩa và chiếc xe máy cà tàng, ông không có bất cứ cái gì khác, cuộc đời chỉ là những ngày lang bạt.
Chúng tôi tìm gặp “Minh cô đơn” khi đang ngồi trên chiếc xe cũ kỹ đón khách. Khách chủ yếu là sinh viên. Một ngày được đôi ba chục ngàn. Người đàn ông da sạm nắng, trên người đầy những vết thương, dấu tích của những lần bắt cướp, bị chống trả.
Ông không nhớ nổi quê cha đất tổ ở đâu. Chỉ biết thời điểm chiến tranh ác liệt, ông lạc gia đình từ khi rất nhỏ, rồi lang thang và được một người nhận nuôi. Năm 9 tuổi, bị mẹ nuôi đánh, ông bỏ nhà lang thang khắp nơi, kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Năm 30 tuổi, dạt về khu vực trường bắn (quận 9, TP.HCM), ông lượm ve chai sinh sống qua ngày, tối đến mắc võng ngủ ở bất cứ nơi đâu.
Ông kể: “Lạc gia đình từ nhỏ, chữ nghĩa không biết. Có biết tên gì đâu, ngay cả tuổi tác cũng áng chừng. Tên của tôi là do công an quận 9 đặt cho. Số là lúc sống ở gần trường bắn, tôi tham gia phá được 2 vụ án ma túy lớn, được công an khen thưởng. Nhưng vì không có tên nên được công an đặt cho. Từ đó tôi lấy cái tên này luôn”.
Năm 40 tuổi, ông lại chuyển về khu vực Làng Đại học hành nghề xe ôm. Hằng ngày, ngoài việc chạy xe ôm, ông còn lượm ve chai hoặc ai thuê mướn gì cũng làm. Với ông: “Miễn là kiếm đồng tiền lương thiện, không phạm pháp”.
Vừa chờ khách, ông Minh vừa quan sát, theo dõi những đối tượng khả nghi |
Nơi ở của ông là bụi rậm dây leo che kín ngay cạnh nơi đậu xe chờ khách. Đồ đạc chỉ có một tấm giấy khen được chính quyền cấp do có thành tích bắt cướp, một chiếc võng, một túi quần áo. Mỗi đêm, ông lại mắc võng giữa muôn vàn tiếng muỗi vo ve. Rắn lục vào mùa mưa nghe hơi người cũng trườn đến. “Quen rồi. Vả lại có nhà cửa gì đâu mà về. Chạy xe ôm không đủ tiền thuê nhà trọ. Với lại túc trực ở đây 24/24h mới quan sát, theo dõi bắt cướp được”, ông nói.
Một mình một bến xe ôm, cái bến vắng khách nhất nằm ở ngã tư đường mà bọn tội phạm hay qua lại. Không cha mẹ, không bà con họ hàng, không quê hương nhà cửa không vợ con. Hỏi ông có buồn không? Ông nói: “Buồn lắm chứ, nhưng mình có niềm vui khác, đó là làm việc có ích, lấy lại được tài sản cho các cháu sinh viên, người dân”.
Công việc bắt cướp diễn từ lâu nay nhưng ông lặng lẽ, không muốn ai biết, không muốn kể công. Nhưng rồi một lần được Đại học Quốc gia trao giấy khen, người ta nghe giới thiệu có ông xe ôm nghèo gan dạ, dũng cảm bắt cướp, danh tính ông mới “bị lộ”. Ông cười: “Mình giúp đời, mong gì đời giúp lại”.
Khu vực Làng Đại học đông sinh viên, nhà trọ, nên tội phạm từ một số nơi đều nhắm đến trộm cắp, cướp giật. Máu “hiệp sĩ” chảy trong người không thể làm ngơ. Ông kể: “Các vụ cướp ở đây đa số là do các băng nhóm từ bên ngoài vào. Chúng rất manh động, cướp xe, cướp tài sản ngay giữa ban ngày. Tôi đã bắt quả tang năm vụ và giao nộp cho công an. Còn việc ngăn chặn, thu hồi được tài sản cho người bị hại thì vô số kể”.
Một buổi chiều, ông đang dạo xe vòng quanh, bất ngờ bắt gặp sáu đối tượng đang bẻ khóa, trộm xe. “Cô bé sinh viên mượn chiếc Sirius của bạn vào tiệm điện thoại ở ngay chợ đêm. Vừa dựng xe đi vào, sáu đối tượng đi trên ba xe Ecxiter trờ đến. Nhanh như chớp, một tên vào bẻ khóa. Tình cờ tôi đi tới, thấy chúng sắp phóng đi, tôi vội lao xe đến, tông ngã chiếc xe bị trộm. Bọn chúng lao vào đánh. Tôi chống trả, nhưng vì chúng đông quá nên không bắt được tên nào”, ông nhớ về kỷ niệm bắt cướp đầu tiên.
Ông không sợ nguy hiểm. Như lần nhận được tin có nhiều cặp đôi nam nữ bị cướp, lại thấy hai thanh niên có biểu hiện bất thường, thường lui tới khu vực xảy ra vụ cướp. Ông liền theo sát, núp trong bụi rậm chờ bắt quả tang. Một cặp nam nữ ngồi hóng mát ở gần hồ đá. Hai thanh niên áp sát, đe dọa cướp. Ông phóng ra, túm cổ áo bắt giữ. Tên cướp vác hung khí chống trả, bỏ chạy, nhưng không thoát khỏi tay ông. Bị bắt, chúng khai đã ít nhất gây ra ba vụ cướp.
Ông bắt cướp đến quên mình như chuyện một buổi tối, đang ngồi đợi khách, nghe tiếng hô cướp vang vọng. Ông lập tức phóng đi. Qua đoạn cua, xe bị ngã, không nổ máy được, ông nén đau chạy bộ, miệng tri hô “cướp đâu cướp đâu” nhằm báo hiệu cho bị hại có người trợ giúp. Cặp nam nữ đang bị cướp xe nghe tiếng hô mới hoàn hồn ôm lấy xe, chống trả hai tên cướp có hung khí, chờ ông đến cùng bắt giữ.
Những lần đuổi bắt cướp, ông không sợ bị thương. Những thương tích trên người, ông kể không có tiền đi viện, tự mua thuốc uống. “Hôm chạy xe được khá thì mua hai lần thuốc, hôm không có tiền thì thôi luôn”, ông kể. Có lần vết thương khá nặng, do không được khâu lại nên nhiễm trùng, cương mủ. Ông vào trạm y tế của ký túc xá xin băng bó. Biết ông bắt cướp bị thương, trạm xá nhiệt tình điều trị miễn phí đến khi lành hẳn.
“Giờ còn khỏe, tôi sẽ cố gắng bắt cướp, quét sạch bọn tội phạm chuyên “ăn hàng”. Đến khi già yếu, tôi chỉ cần xin người ta… một cái quan tài mang đi hỏa thiêu. Thế là đủ rồi...”, ông tếu táo, không rõ thật hay đùa./.