Người cán bộ đoàn thắp lửa học vấn nơi quê nghèo

(PLO) - Anh Nguyễn Tiến Phương (SN 1987 ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) gắn bó với công tác đoàn đội từ nhỏ. Cũng bởi yêu quê hương và mong muốn xóm làng thoát nghèo, anh đã đưa ra ý tưởng thành lập lớp học tình nguyện của thôn. Hiện giờ, lớp học tình nguyện của anh đã bước sang tuổi thứ 5…
Anh Phương đang hướng dẫn học sinh ôn thi
Tự hào khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện
Ngay từ hồi cấp 1, cấp 2 Phương đã rất say mê với hoạt động đội của trường, đặc biệt là các phong trào kế hoạch nhỏ. Lên cấp 3, với cương vị Bí thư Đoàn, kiêm Trưởng lớp, Phương cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình, góp phần đưa phong trào đoàn của Trường THPT Cổ Loa đứng vào nhóm đầu bảng của huyện. Và cũng do duyên phận đưa đẩy, ngay từ năm đầu tiên của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Phương đã có tên trong danh sách Đội Thanh niên tình nguyện của trường. 
Với tinh thần nhiệt huyết, đầy hăng hái và sức trẻ hừng hực, Phương cùng các bạn trong Đội Thanh niên tình nguyện không ngại khó, ngại khổ lặn lội đến tận các bản làng xa xôi: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu… để giúp bà con làm đồng, cấy lúa, làm đường… Và mỗi mùa thi đến, anh cán bộ đoàn lại hồ hởi cùng các bạn nhóm “Tiếp sức mùa thi” đội nắng mưa hướng dẫn, hỗ trợ các bạn học sinh thi đại học. 
Không chỉ hăng hái tham gia công tác đoàn, Phương còn rất tích cực trong hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện. Bản thân Phương đã 8 lần hiến, hỗ trợ cứu sống người bệnh mỗi dịp máu hiếm. Nhờ có anh cán bộ đoàn thôn đầy nhiệt tình và năng động này, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hiến máu nhân đạo, từ thiện, vệ sinh môi trường... của thôn Lại Đà vô cùng sôi nổi và luôn đạt giải cao trong các cuộc thi của địa phương và tổ chức Đoàn của thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chi đoàn vững mạnh xuất sắc”; “Chi đoàn kiểu mẫu của huyện Đông Anh”...
Ước mơ thắp lửa học vấn ở vùng quê nghèo
Tốt nghiệp xuất sắc Khoa Thiết kế - Chế tạo máy Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, thi đỗ vào một vị trí công tác hấp dẫn của một công ty sản xuất thang máy tự động của Nhật Bản, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng Phương vẫn tiếp tục cống hiến nhiệt huyết với hoạt động đoàn địa phương. Và rồi một ngày, Phương đã có quyết định “không giống ai” là từ bỏ công việc thu nhập cao để về chuyên tâm vào công tác của một người cán bộ huyện đoàn. 
Từ khi học cấp 3, Phương đã ấp ủ ước mơ được giúp các em học trò nghèo ôn thi vì nhà Phương rất nghèo, bản thân Phương thường xuyên phải nợ tiền học phí. Đến khi đi làm, có điều kiện để thực hiện, Phương quyết định mở lớp ôn thi miễn phí để hỗ trợ các học sinh nghèo hiếu học. 
Được người bạn đời tương lai của mình – một cô giáo cấp 2 hỗ trợ, Phương bắt tay vào việc vận động các gia đình cho con em theo học ôn, rồi động viên các bạn sinh viên học tốt, có khả năng giảng dạy, đặc biệt là nhiệt tình, có lòng hảo tâm tham gia giảng dạy. 
Bằng uy tín của mình, Phương xin lãnh đạo thôn cho mượn đình làng, nhà văn hóa thôn để làm nơi mở lớp ôn thi miễn phí. Khi các khâu cơ bản, quan trọng nhất đã hoàn tất, Phương bắt đầu xây dựng một kế hoạch học ôn rất chi tiết và bài bản. 
Đặc biệt, anh rất chú trọng vào chia lớp, phân loại đối tượng học cho phù hợp để đạt được kết quả học tập cao nhất. Ngày lại ngày, hết lăn lộn với công việc cơ quan, anh lại cùng người bạn đời của mình đến với lớp học tình nguyện đêm của thôn, với mong muốn đưa ánh sáng tri thức về với vùng quê nghèo…
Và công sức của anh Nguyễn Tiến Phương cũng như các thầy trò nhóm hỗ trợ ôn thi tình nguyện miễn phí đã được đền đáp xứng đáng khi ngay trong năm đầu tiên triển khai ôn luyện (2011) có 16 học sinh lớp 12 tham gia lớp ôn thì có tới 6/16 em đỗ đại học, còn lại đỗ các trường cao đẳng và trung cấp; 25 học sinh lớp 9 ôn luyện thì 100% các em đỗ vào các trường THPT, trong đó có trên 50% đạt trên 50 điểm. 
Các năm tiếp theo, số lượng học sinh theo học cũng như chất lượng, tỷ lệ đỗ đạt vào các trường ngày càng tăng cao hơn. Đặc biệt, không chỉ các học sinh nghèo trong thôn theo học, không ít học sinh các thôn lân cận cũng xin ôn thi tại đây; nhiều em đã đỗ với số điểm rất cao, thậm chí có cả thủ khoa các trường đại học, điều mà trước kia không bao giờ có trên địa bàn.
Nhưng Phương vẫn chưa thỏa mãn với thành tích đó. Anh mong muốn mở rộng quy mô nhóm ôn luyện tình nguyện miễn phí để nâng cao hơn nữa nguồn “chất xám” ở địa phương. Và Phương cũng nung nấu ý định tổ chức câu lạc bộ truyền thông để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn về các vấn đề bạo lực học đường, quan hệ tình dục không an toàn… nhằm đẩy xa các tệ nạn xã hội này ra khỏi quê hương. Chúc cho anh sẽ đạt được tâm nguyện của mình cũng như đã hoàn thành xuất sắc việc thành lập lớp học thiện nguyện, thắp sáng ngọn lửa học vấn nơi quê nghèo Lại Đà.

Đọc thêm