Người cựu chiến binh tâm huyết trọn đời “sống chết với rừng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với diện tích hơn 200ha rừng nghèo kiệt được nhà nước bàn giao quản lý từ năm 2014, đến nay khu rừng do gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thế Yên- thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai quản lý đã "thay da đổi thịt". Để có được một phần thành quả này, mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lính già đã phải đổ xuống.
Người cựu chiến binh tâm huyết trọn đời “sống chết với rừng” Nguyễn Thế Yên.
Người cựu chiến binh tâm huyết trọn đời “sống chết với rừng” Nguyễn Thế Yên.

Người “điên” bỏ phố về rừng

Lào Cai, thành phố dần về chiều, những ngày chớm thu dịu mát, qua cây cầu Phố Mới, cầm trên tay sản phẩm "Chuối tiêu hồng Phúc Yên", chúng tôi hỏi đường theo địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm, không mấy khó khăn để tìm đường bởi chỉ cần đi qua khu công nghiệp Đông Phố Mới, hỏi nhà ông "Yên chuối" ở đâu, là người dân nơi đây đã chỉ tường tận. Đi sâu khoảng gần 1km đường ven rừng, leo lên con dốc nhỏ là đã đến nơi cần tìm.

Đón chúng tôi là người đàn ông trung tuổi, nước da sạm màu, chân đi ủng, tay xách xô sơn đựng đầy chuối, ông nhanh nhảu nói: "Mấy chú chờ anh chút, anh cho mấy con lợn ăn ít chuối rồi anh vào". Tiếp chuyện chúng tôi bên ly nước vối, cạnh căn chòi nhỏ liền kề bờ ao, nước róc rách chảy, ông cười hiền bảo: "Anh nuôi mấy trăm con lợn, toàn lợn đặc sản, ngày cho ăn đôi bữa cám ngô và một bữa cho ăn chuối quả, chất lượng thịt lợn ở đây là đỉnh cao các chú ạ. Toàn dưới xuôi đặt anh thịt rồi gửi về, chất thải thì anh làm hầm biogas, hơn 200ha rừng cùng với mấy km vuông ao cá, không khí trong lành, các chú thấy khác với thành phố không?".

Trang trại của ông Nguyễn Thế Yên

Trang trại của ông Nguyễn Thế Yên

Trước khi quyết định về gắn bó với nghề trồng cây gây rừng, ông Yên từng kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ khách sạn khá thành công. Khách sạn của gia đình ông nằm ngay bến xe trung tâm TP Lào Cai (bến xe cũ), khách lưu trú lúc nào cũng kín phòng, giai đoạn đó hoạt động biên mậu tại Lào Cai đang là thời điểm thịnh vượng, ấy vậy mà ông quyết định bán hết tài sản để đầu tư vào rừng, gia đình bạn bè ai cũng bảo ông khi đó bị “điên”, “sướng không muốn lại muốn khổ”...

Thời gian đó về mặt cơ chế việc giao khoán rừng nghèo cho các hộ dân, doanh nghiệp được các cấp chính quyền địa phương tạo cơ chế thuận lợi. Ông Yên - Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Phúc Yên, đánh liều thử nghiệm với cây cao su.

Thử thách, chông gai và trái ngọt

Dốc hết vốn liếng mình có, bỏ ngoài tai sự ngăn cản của gia đình, với bản lĩnh của một người cựu chiến binh từng có 7 năm 8 tháng rèn luyện trong quân ngũ tại Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân, ông Yên quyết tâm gắn bó phần đời còn lại với rừng.

Ông Nguyễn Thế Yên chăm sóc vườn chuối tiêu hồng.

Ông Nguyễn Thế Yên chăm sóc vườn chuối tiêu hồng.

Sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, ông Yên nhận bàn giao rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ TP Lào Cai. Ngay sau đó ông bắt tay vào triển khai thực hiện dự án trồng rừng cao su với mục tiêu; phủ xanh đất trống đồi trọc; phát triển rừng giữ đất, giữ nước; lấy mủ cao su, lấy gỗ.

Bước đầu tiến hành mở đường, phát thực bì trên 50ha, tiến hành đào hố chuẩn bị cây giống, phân bón, nhân lực để tiến hành trồng đợt cây đầu tiên. Mọi việc tưởng như thuận lợi, khi rừng cao su vừa bén rễ thì bản quy hoạch phát triển cây cao su do Bộ NN&PTNT không được đưa vào quy hoạch trồng trên vùng đất này.

Không bỏ cuộc, công ty của ông Yên đã làm tờ trình xin trồng cây lâm nghiệp thay thế cây cao su với cây trồng như quế, xoan ta… Đánh giá hiệu quả sau khi chuyển đổi cây trồng lâm nghiệp lấy gỗ với vốn đầu tư thấp, chu kỳ kinh doanh ngắn, thị trường tiêu thụ rộng, giá cả ổn định… mang lại hiệu quả hơn cây cao su vừa phải đầu tư cao, mà thị trường lại bất ổn.

Việc có định hướng mới trong việc chuyển đổi trồng cây lâm nghiệp để phủ xanh rừng nghèo kiệt, thay thế dự án trồng cây cao su, đã chứng tỏ sự nhanh nhạy của doanh nhân - cựu chiến binh Nguyễn Thế Yên. Diện tích rừng nghèo kiệt hiện đã được phủ xanh, tính đến nay trên 30ha quế chuẩn bị cho thu hoạch, hơn chục ha xoan ta, 15ha chuối tiêu hồng cho sản lượng 150 tấn/năm, giá trị thu từ chuối đạt 1,5 tỷ đồng/năm, đảm bảo công việc ổn định cho 10 nhân công.

Miệt mài gần 10 năm với việc trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế từ mô hình phát triển lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi, mô hình kinh tế của ông Yên đã được chính quyền các cấp của tỉnh Lào Cai khuyến khích nhân rộng.

Tháng 7/2019, ông trở thành đại diện cho hơn 60 tấm gương tiên tiến điển hình làm kinh tế giỏi, được phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Năm 2018, 2019 ông được UBND tỉnh Lào Cai trao tặng bằng khen "Tấm gương tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi", ngoài ra ông còn giành được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội cựu chiến binh tỉnh và Hội doanh nhân TP Lào Cai trong nhiều năm liền. Riêng với sản phẩm chuối tiêu hồng Phúc Yên được vinh danh là 1 trong 10 sản phẩm thương hiệu của tỉnh Lào Cai, huy chương vàng sản phẩm chất lượng cao năm 2018...

Ông Nguyễn Thế Yên được nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh năm 2019.

Ông Nguyễn Thế Yên được nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh năm 2019.

Việc làm của ông Yên được lãnh đạo các cấp của UBND tỉnh Lào Cai, các sở ban ngành và nhân dân rất ủng hộ. Ông mong muốn các cấp lãnh đạo của tỉnh tạo thêm cơ chế, để phần diện tích rừng nghèo còn lại được ông phủ xanh bằng những loại cây vừa tạo hiệu quả phủ xanh, vừa phát huy hiệu quả kinh tế, để mô hình kinh tế mà ông đang theo đuổi bền vững với tương lai của một TP Lào Cai - thành phố trẻ đầy sức sống.

"Với tâm nguyện gắn bó phần đời còn lại với rừng, cùng với tâm nguyện có thể giữ màu xanh của rừng cho thế hệ mai sau, và vì một TP Lào Cai trong tương lai có rừng trong thành phố, tôi sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được kế hoạch của mình", ông Yên chia sẻ.

Đọc thêm