Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc chống chọi lại giá rét

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đợt rét đậm lịch sử trong 10 năm trở lại đây đã khiến nền nhiệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc giảm mạnh. Cả khu vực chìm sâu trong giá rét, có nơi nhiệt độ ghi nhận xuống âm độ.
Trẻ em vùng cao ngồi bên bếp lửa chống rét
Trẻ em vùng cao ngồi bên bếp lửa chống rét

Rét đậm, rét hại cũng làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của đồng bào. Và để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt của miền sơn cước đồng bào dân tộc vùng cao có muôn kiểu chống rét “độc đáo" để bảo vệ mình và gia súc gia cầm.

Những ngày cuối tháng 2/2022, theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam tại nhiều địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc nền nhiệt xuống thấp cùng với mưa nên thời tiết càng thêm giá rét.

Theo quan sát của phóng viên, trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại, nhất là khu vực các xã biên giới xuất hiện nhiều băng giá, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -0 độ C, băng giá và sương muối xuất hiện dày đặc trên diện rộng.

Người dân khẩn trương đưa gia súc xuống núi, về chuồng để tránh rétNgười dân khẩn trương đưa gia súc xuống núi, về chuồng để tránh rét

Băng giá phủ kín những cây thông tại vùng biên giới, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang), các địa phương khu vực biên giới đã tập trung cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đảm bảo sức khoẻ cho đàn gia súc, hướng dẫn kỹ thuật tới các hộ chăn nuôi sử dụng bạt và các vật liệu khác để che chắn chuồng trại.

Tại khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, nhiệt độ giảm xuống âm 1,2 độ C, có mưa nhỏ, băng đang đông kết trên nhà cửa, cỏ cây.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Lạng Sơn, tháng 2 năm nay có nền nhiệt độ thấp nhất kể từ 6 năm nay. Ở các địa phương Lạng Sơn xuất hiện rét đậm, rét hại, mức nhiệt từ 3-4 độ C. Trên các đỉnh núi cao như Công Sơn (huyện Cao Lộc), Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), nhiệt độ giảm sâu, có nơi xuống âm 0 độ C, xuất hiện băng tuyết. Dự báo rét đậm, rét hại xảy ra ở Lạng Sơn kéo dài đến giữa tuần sau.

Băng giá bám trĩu nặng cây cối trên đỉnh núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn, sáng 20/2

Băng giá bám trĩu nặng cây cối trên đỉnh núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn, sáng 20/2

Tại Yên Bái do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt xuống thấp, trên đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã xuất hiện băng tuyết.

Theo người dân địa phương, đây chính là địa điểm thường xuất hiện băng giá mỗi khi có không khí lạnh tăng cường. Vào khoảng 10h sáng nay, băng tuyết bắt đầu xuất hiện và càng về sau càng dày đặc, bám trắng các cành cây, ngọn cỏ.

Trước đó, người dân đã lùa đàn gia súc tại khu vực này về nhà để tránh bị thiệt hại. Được biết, hiện nay ở một số địa phương vùng cao tỉnh Yên Bái, nhiệt độ chỉ khoảng 3 đến 5 độ, có nơi 0 độ.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân đã chủ động và có nhiều các phương pháp trong việc chống rét cho cây trồng, vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc. Dựng nhà lưới để chống băng tuyết, sương muối, nhiều nơi người dân còn đốt lửa, mặc "áo" ấm để tránh rét cho vật nuôi.

Người dân vùng cao triển khai nhiều biện pháp chống chọi với cái rét xuống dưới 2-3 độNgười dân vùng cao triển khai nhiều biện pháp chống chọi với cái rét xuống dưới 2-3 độ

Tương tự trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhiệt độ đo được tại đỉnh núi Phja Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là -7 độ C, làm xuất hiện hiện tượng băng giá phủ kín cành cây, ngọn núi.

Đối với những người dân sống quanh khu vực Phja Oắc - nơi nền nhiệt độ thường xuyên xuống thấp hơn so với thành phố Cao Bằng và các huyện từ 5 - 7 độ C, có lúc xuống đến gần - 10 độ C nên việc băng tuyết xuất hiện đã không còn quá xa lạ.

Dọc tuyến quốc lộ 12 nối thành phố Điện Biên Phủ với trung tâm huyện Mường Chà, quốc lộ 4H từ trung tâm huyện Mường Chà đi Mường Nhé và huyện Nậm Pồ, dọc hai bên đường, nhiều hộ dân đã đốt những đống củi to để các thành viên trong gia đình sưởi ấm. Nhiều người điều khiển phương tiện xe máy tham gia giao thông trên các tuyến đường này cũng dừng lại để sưởi ấm. Tại các bản làng thuộc các xã nằm trên các tuyến quốc lộ này, người dân đốt những đống lửa trong sân, vườn và được duy trì qua nhiều ngày đêm, để sưởi ấm, xua đi cái lạnh buốt giá.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân nên chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô, xanh như rơm, rạ, thân cây ngô, ngọn mía, lá mía. Mỗi hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò cần đảm bảo có một cây rơm, lượng thức ăn dự trữ đáp ứng cho trâu, bò. Đồng thời, bổ sung thức ăn, các loại khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.

Đàn trâu, bò thả rông trên rừng cần được bà con mang về nuôi nhốt tại chuồng, khi nhiệt độ xuống dưới 12°C không nên cho trâu, bò chăn thả tự do. Việc nuôi nhốt tại chuồng giúp quản lý và chăm sóc, có biện pháp sưởi ấm cho vật nuôi (đặc biệt gia súc non) trong những ngày giá rét. Đồng thời, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ, tẩy ký sinh trùng, nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Người dân cần khai báo đầy đủ đàn vật nuôi với chính quyền cấp xã theo quy định của pháp luật về chăn nuôi và làm cơ sở cho việc hỗ trợ thiệt hại khi gia súc bị chết do đói rét, cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 19 – 23/2, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng giá, nhiệt độ thấp nhất các tỉnh vùng núi, trung du từ 4-6°C, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0°C.

Khuyến cáo người dân cần hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, giữ ấm cơ thể. Triển khai biện pháp che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản.

Đọc thêm