Người dân Cần Thơ “phập phồng” chuẩn bị hoa Tết giữa dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mọi năm từ khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, người dân ở những khu vực trồng hoa kiểng đã sôi động, tất bật với công việc trồng hoa Tết. Tuy nhiên, năm nay đã gần cuối tháng 8 âm lịch, tình hình chuẩn bị hoa tết ở Cần Thơ còn khá trầm lắng, người dân “phập phồng” lo sợ ảnh hưởng dịch bệnh hoa Tết sẽ khó tiêu thụ

Làng hoa Phó Thọ Bà Bộ là làng hoa nổi tiếng ở TP Cần Thơ có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm. Đây là nơi cung ứng hoa kiểng cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mọi năm từ khoảng tháng 7 âm lịch, dọc tuyến đường Làng hoa Phó Thọ Bà Bộ mọi người đã tất bật chuẩn bị hoa Tết.

Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh dọc tuyến đường làng hoa là một sự trầm lắng, đìu hiu bao phủ. Các khoảnh đất hai bên mé đường mọi năm ngập tràn những cây con đang lún phún đâm chồi, các chậu hoa được xếp thành hàng trông rất tươm tất. Mọi thứ trở nên trống trải, mất đi không khí sôi nổi vốn có của làng hoa trăm tuổi. Một vài nhà vườn gieo cũng chỉ “cho có lệ” với số lượng ít và cũng chỉ vài loại hoa cơ bản.

Số lượng hoa Tết gieo trồng giảm đáng kể so với năm trước

Số lượng hoa Tết gieo trồng giảm đáng kể so với năm trước

Theo nhiều người dân trồng hoa thâm niên ở làng hoa, hơn 2 tháng nay TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân không được ra đường. Hơn 1 tuần này được “nới lỏng” theo Chỉ thị 15, một vài hộ đã chuẩn bị vật dụng, cây con để gieo trồng cho có không khí, một số khác thì quan ngại dịch bệnh sẽ làm việc vận chuyển bị hạn chế, tiêu thụ khó khăn. “Đây là một vụ mua trồng hoa Tết khiến người dân khó khăn, lo lắng chưa từng thấy từ trước đến giờ”, một người dân bày tỏ.

Ông Huỳnh Văn Tùng (52 tuổi, ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy) than thở: Nông dân trồng hoa khổ lắm, năm nay thời tiết thuận lợi lại gặp dịch bệnh, đi lại, vận chuyển khó khăn nên đầu ra cũng khó.Bởi thế năm nay ai cũng giảm số lượng xuống hết. Tôi cũng chỉ trồng vài trăm chậu cúc Đài Loan bán cho có mùa xuân thôi”.

Đến giữa tháng 8 âm lịch người dân mới bắt đầu gieo trồng.

Đến giữa tháng 8 âm lịch người dân mới bắt đầu gieo trồng.

Ngồi dọn dẹp khoảnh đất nhà để chuẩn bị trồng hoa phục vụ Tết, ông Lương Tấn Tài (62 tuổi, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) có kinh nghiệm hơn 40 năm trồng hoa kiểng cho biết, thường thì người dân trồng hoa kiểng sợ nhất là ảnh hưởng của thời tiết nhưng bây giờ thời tiết bà con không lo nhiều bằng dịch COVID-19. “Dịch bệnh ở nhà hơn 2 tháng nay có làm gì đâu. Mới mấy ngày nay xuống Chỉ thị 15 nên mới chuẩn bị đồ đạc ra dọn dẹp cỏ cây đề chuẩn bị trồng hoa”.

Theo ông Tài thông thường mọi năm từ tháng 6 âm lịch là người dân đã “vào mùa”, tất bật với mọi việc để có hoa kịp bán vào tháng 12 âm lịch mỗi năm. “Năm nay dịch bệnh kéo dài, Chỉ thị 16 kéo đến giữa tháng 8 nên bà con gieo trễ, một số hộ chán nản bỏ luôn không trồng nữa. Bỏ vốn ra trồng hoa mùa này cũng lo sợ lắm, phải theo dõi tình hình thật kỹ mới dám liều trồng một ít xem như thế nào”, ông Tài chia sẻ

Người dân trồng hoa Tết lo lắng vì sợ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đầu ra

Người dân trồng hoa Tết lo lắng vì sợ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đầu ra

Mọi năm, ông Tài trồng khoảng 3000 giỏ cúc Đài Loan và cúc mâm xôi. Tuy nhiên, năm nay số lượng bị giảm hơn 1 nửa, ông chỉ trồng 1.500 giỏ cúc Đài Loan, không dám trồng cúc mâm xôi. “Thường tháng 6 âm lịch bắt đầu xuống giống trồng mâm xôi, riêng năm nay tôi không trồng do thấy dịch diễn biến phức tạp quá, thị trưởng hẩm hiu nữa. Vậy nên đến tận tháng 8 âm lịch tôi mới ra ruộng để xuống giống trồng mỗi cúc Đài Loan. Ngày này năm trước hoa đã đặt đầy bờ rồi chứ đâu như năm nay thì loe ngoe”.

Trồng hoa trong mùa dịch “khó” đủ thứ, lo sợ dịch bệnh, lo đầu ra, lo vật giá leo thang. “Giá cây giống được lấy từ nhà vườn ở Sa Đéc tăng lên 1000 đồng/cây thay vì 700 đồng/cây so với cùng kỳ. Giá tăng chủ yếu do vận chuyển qua lại khó khăn, phát sinh chi phí”.

Gần đó, ông Lương Tấn Phát (50 tuổi, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) cặm cụi chăm sóc 1000 giỏ hoa cúc mâm xôi chuẩn bị cho thị trường Tết.

“Trồng cho có mùa xuân thôi chứ cũng sợ lắm, không dám trồng nhiều. Trồng nhiều quá không biết tiêu thụ làm sao trong mùa dịch này. Với lại tôi nghĩ, dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống nên năm nay nhu cầu mua hoa trưng tết của người dân cũng giảm”, ông Phát chia sẻ

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm