Hải Dương là vùng đất có truyền thống văn hiến lâu đời. Đây là vùng đất cổ, vốn là phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long xưa. Vùng đất này còn lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử, di tích cách mạng gắn liền với chiến tích oai hùng của bao thế hệ dựng nước, giữ nước. Vùng đất này có nhiều danh thắng nổi tiếng, trong đó không thể không kể đến danh thắng Đền Cao (An Lạc, TP Chí Linh).
Từ cầu Thiên trên quốc lộ 37, đi vào 300 m sẽ dẫn mọi người đến với vùng đất An Lạc đậm màu sử thoại. Quần thể khu di tích đền Cao là nơi phụng thờ 5 vị tướng họ Vương có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và tri ân đức vua Lê Đại Hành, thành hoàng làng Dương Tôn Linh. Trải qua hơn 1000 năm với bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn tọa cùng “tuế nguyệt” và trở thành một địa chỉ tâm linh không chỉ của người dân An Lạc mà còn của bao du khách thập phương.
Trước khi vào đền Cao, du khách đều vào thắp hương ở đền Trình trước. |
Với hiện trạng di tích và các truyền thuyết còn lưu truyền nơi đây cùng các sinh hoạt lễ hội được nhân dân bảo tồn và gìn giữ, khu di tích đền Cao được đánh giá là một trong những điểm đến cổ truyền, lý tưởng và tiêu biểu của Hải Dương trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành.
Du khách về với đền Cao đều ý thức việc phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn. |
Ghi nhận của phóng viên vào những ngày đầu của năm mới Nhâm Dần, lượng du khách thập phương về du xuân, cầu tài lộc ở đền Cao năm nay nhộn nhịp hơn năm 2021. Nếu vào Tết Nguyên đán năm 2021, TP Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát phòng chống dịch nên hầu như các điểm du lịch tâm linh như đền Cao đều được đóng cửa, không người du xuân, lễ bái. Nhưng năm nay lượng khách về đền Cao khá đông, việc di chuyển, đi lại của bà con diễn ra thuận lợi hơn và luôn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch.
Người dân đều thành kính dâng hương tại đền Cao cầu may mắn cho năm mới. |
Các du khách khi đến đây đều ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn. Các quầy hàng được bày bán hai bên đường đều được mọi người vào mua nhanh chóng. Nhiều người dân xung quanh cũng tranh thủ mang các nông sản như ngô, khoai lang, bánh trái ra ven đường để bán cho du khách nhằm lấy lộc may mắn đầu năm.
Một người dân ở xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết, đi xa cũng ngại dịch bệnh, chưa kể phiền phức là phải test COVID-19 hoặc không may mắc COVID-19 thì bị kẹt ở lại, nhỡ hết việc. Năm nào cũng vậy, gia đình họ đều đến đền Cao để thắp hương, vãn cảnh nơi đây. Năm nay dịch vẫn còn diễn ra nhưng việc đi lại dễ dàng hơn nên từ mùng 4-6 Tết, gia đình họ sẽ đi một số điểm du lịch trong tỉnh để gia đình vẫn thoả mãn nhu cầu du xuân đầu năm.
Ngoài du xuân, cầu may mắn các du khách còn thư giãn, giải trí, chụp ảnh cùng nhau. |
Theo chia sẻ của nhiều du khách đến với đền Cao, xu hướng du xuân hiện nay của họ là lựa chọn điểm đến. Thay vì những “điểm nóng” về du lịch với lượng khách đông đúc, du khách thích đến những nơi an toàn với dịch bệnh, nhất là có không gian yên tĩnh, riêng tư như các điểm đền chùa tương tự đền Cao. Mọi người đi du xuân, vãn cảnh, giải trí tranh thủ, thời gian không kéo dài đến vài ngày. Với hình thức này, những người yêu thích du xuân không cần nhiều thời gian di chuyển mà vẫn thay đổi không gian, được thư giãn, giải trí và có thể cầu may mắn, tài lộc đầu năm.