Người đồng tính “ngóng” tin Quốc hội

(PLO) -  “Công nhận hay không quyền kết hôn đồng giới?” sẽ là một chủ đề "nóng" trong Quốc hội ngày hôm nay.

Chúng ta có suy kiệt nòi giống?

Trên thế giới, theo con số thống kê từ 207 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2012,  có tổng cộng 11 quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng tính, 21 quốc gia khác chấp nhận người đồng tính chung sống dưới hình thức kết hợp dân sự, có trên 80 nước xem đồng tính là tội phạm ở các mức độ khác nhau. 
Thực tế khách quan đó cho thấy việc nhìn nhận những người thuộc cộng đồng LGBT (từ tiếng Anh viết tắt chỉ người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới), tiến tới trao cho họ quyền lợi đã bước đầu manh nha xuất hiện trên thế giới. 
Theo báo cáo khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người có thiên hướng đồng tính chiếm khoảng 3% dân số. Tỉ lệ này áp dụng ở Việt Nam thì cả nước có khoảng hơn 2,5 triệu người đồng tính. Thế nên, công nhận hay không việc kết hôn cùng giới luôn là vấn đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều dai dẳng trong xã hội.
Người đồng tính vẫn làm đám cưới nhưng không được thừa nhận
 Người đồng tính vẫn làm đám cưới nhưng không được thừa nhận
“Pháp luật chưa nên công nhận việc kết hôn giữa những người đồng giới vì nó có ảnh hưởng đến toàn xã hội…” - một sinh viên khóa 36, Trường ĐH Luật Hà Nội quả quyết tại buổi tọa đàm về “Quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính” được tổ chức tại trường cuối tháng 10 vừa qua. 
Minh chứng cho quan điểm trên, sinh viên này đưa ra lý luận: “Cơ sở của việc công nhận quyền kết hôn giữa những người đồng giới sẽ là nền tảng nghiêm trọng hơn nếu các thế hệ nối tiếp không được sinh ra. Sự công nhận này có thể sẽ khiến 10, 20 năm sau chúng ta có thể bị suy kiệt nòi giống, thậm chí sẽ phải bàn đến quyền kết hôn cận huyết”. 
Theo đó, việc công nhận quyền kết hôn giữa những người LGBT sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Nó sẽ phá vỡ hình thái lịch sử kết hôn của nhân loại giữa tính nam và nữ, gây xói mòn các giá trị truyền thống gia đình, không thể tái sinh sản con người…
Ngược với quan điểm phản đối, sinh viên Hoàng Khánh Linh đại diện Nhóm 6+ (Nhóm hoạt động vì hình ảnh tích cực của cộng đồng LGBT) cho biết: “Cộng đồng LGBT thực sự đang thức tỉnh, họ đang đấu tranh không ngừng để được xã hội nhìn nhận với một sự tích cực”. 
Ở một góc nhìn khác, nhiều sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: “Pháp luật là thượng tầng kiến trúc lấy nền tảng là quyền lợi hợp pháp của con người và LGBT cũng không ngoại lệ. Việc hợp pháp hóa quyền kết hôn giữa những người đồng giới sẽ giúp thể hiện tính nhân văn của pháp luật, giảm thiểu tối đa những tranh chấp nảy sinh không đáng có”. 
Tán đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Hải - Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) đánh giá: “Những nước đồng ý thừa nhận và cho phép những người LGBT có quyền mưu cầu hạnh phúc là chủ yếu dựa trên quyền con người”.

Nhà làm luật cũng giống một bác sỹ kê đơn

 Ước tính ở Việt Nam có khoảng hơn 2,5 triệu người đồng tính, nhưng trên thực tế chưa hề có thống kê chính xác số lượng người LGBT bởi thái độ tâm lý ngại công khai của nhóm đối tượng trên. 
Được biết, trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, vấn đề luật pháp có nên công nhận quyền kết hôn hợp pháp của người đồng giới sẽ được đem ra thảo luận. Như vậy, trước sự chuyển biến tích cực, nhìn nhận cộng đồng LGBT theo hướng thiện cảm trong xã hội, một vấn đề trước kia vẫn được xem là “chuyện không tưởng” đang từng bước được quan tâm và xem xét cụ thể. 
Việc công nhận quyền kết hôn đồng giới sẽ được các nhà làm luật, Quốc hội thảo luận xem xét và tính toán kỹ lưỡng. Thế nhưng, có một điều chắc chắn là để xã hội nhìn nhận cộng đồng LGBT theo hướng tích cực thì cần phải có thời gian thẩm thấu, xóa bỏ dần những định kiến.

Hay nói như ông Nguyễn Hồng Hải: “Nhà làm luật cũng giống như một bác sỹ kê đơn thuốc, còn xã hội thì luôn có lề phải và lề trái. Pháp luật nếu thừa nhận quyền kết hôn đồng giới có xảy ra những hệ lụy đi kèm không? Khẳng định là có, nhưng với quy định pháp luật chặt chẽ, chắc chắn sẽ giảm thiểu ít nhất có thể, thay vì như hiện nay”.