Người không biết chữ thì xác lập hợp đồng tín dụng như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Minh Tú (Hà Nam) hỏi: Tôi là nhân viên của một công ty tài chính, hiện tại đang làm hồ sơ vay cho cô M, 54 tuổi. Cô M không biết chữ nhưng vẫn có thể viết được tên của mình. Xin hỏi, trường hợp này, hợp đồng vay cô M ký có hiệu lực không? Hướng xử lý nào để đảm bảo việc ký hợp đồng này là đúng quy định để tránh rủi do cho phía công ty tôi không?
Người không biết chữ thì xác lập hợp đồng tín dụng như thế nào?

Luật sư Trần Thị Loan (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hợp đồng tín dụng là một giao dịch dân sự, do đó phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Cụ thể, căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Căn cứ khoản 4 Điều 400 Bộ luật này quy định: Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hiệu lực của hợp đồng: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Trường hợp cô M có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Cô M hiểu và hoàn toàn tự nguyện tham gia hợp đồng tín dụng. Đồng thời, mục đích và nội dung của hợp đồng tín dụng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức của hợp đồng tín dụng phù hợp quy định pháp luật thì hợp đồng tín dụng do cô M ký có hiệu lực pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với hợp đồng công chứng, căn cứ khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng 2014 quy định: Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.

Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

Đồng thời, căn cứ Khoản 3 Điều 5 của Luật này quy định: Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Như vậy, đối chiếu các quy định nêu trên, hợp đồng tín dụng có một bên tham gia không biết chữ mà được công chứng hoặc chứng thực sẽ chặt chẽ cả về nội dung, hình thức. Việc công chứng hoặc chứng thực sẽ giúp hạn chế được nhiều rủi ro cho tổ chức tín dụng. Hơn nữa, để đảm bảo chứng minh việc giao kết hợp đồng của cô M là tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc… khi giao kết hợp đồng nên có người làm chứng tham gia theo quy định của pháp luật./.

Đọc thêm