Những dự án ghi dấu ấn
Igor Dmitrievich Spassky sinh năm 1926 trong một gia đình công nhân ở thành phố Noginsk, gần Thủ đô Moscow. Năm 1949, ông tốt nghiệp Kỹ sư cơ khí Trường Kỹ thuật Hải quân cấp cao F.E.Dzerzhinsky (nay là Học viện Hải quân N.G. Kuznetsov). Kể từ tháng 10/1949, ông phục vụ trên tàu tuần dương đang được xây dựng có tên Frunze tại thành phố Nikolaev.
Từ năm 1950, sau khi được biệt phái sang làm việc trong ngành đóng tàu,cuộc đời và sự nghiệp của Spassky gắn chặt với việc thiết kế tàu ngầm, trong đó có các tàu ngầm thử nghiệm chạy bằng động cơ turbine hơi nước.
Từ khi còn là nhà thiết kế cho đến khi trở thành kỹ sư trưởng của Phòng Thiết kế Hải quân Rubin - trực thuộc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất vào năm 1968, ông đã tham gia tất cả giai đoạn chế tạo tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân thế hệ thứ nhất, thứ hai của Liên Xô. Với tài năng của mình, ông liên tục được thăng chức, nhiều khi “nhảy cóc” đến 3 bậc, khiến ngay cả bản thân ông cũng ngỡ ngàng vì được bổ nhiệm như vậy.
Năm 1974, Spassky bắt đầu được giao trọng trách lãnh đạo Cục Thiết kế Trung ương Rubin với tư cách Giám đốc. Từ năm 1983 đến năm 2007, ông giữ vai trò Tổng công trình sư tại đây. Trong suốt quá trình này, ông từng bước khẳng định bản thân là một nhà thiết kế tài năng đồng thời là một nhà tổ chức đại tài.
|
Đóng góp của Spassky cho khoa học và công nghệ tàu ngầm của Nga thể hiện trong việc chế tạo hơn 200 chiếc tàu ngầm, bao gồm cả việc chế tạo cả dòng tàu ngầm diesel-điện có độ ồn thấp và hiệu quả cao của Liên Xô trước đây và Nga sau này. Trong đó, từ năm 1950 đến năm 2006, ông tham gia chế tạo 4 thế hệ tàu ngầm của Nga với tổng cộng 187 chiếc (bao gồm 91 tàu diesel-điện và 96 tàu hạt nhân).
Đóng góp nổi bật của ông cho ngành đóng tàu Liên Xô nằm ở việc Igor Spassky đã nghiên cứu phát triển các phương pháp chế tạo tàu ngầm theo công nghệ mới, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí chế tạo trong khi tăng đáng kể tính năng chiến đấu của chúng, trong đó có một số giải pháp kỹ thuật cơ bản đảm bảo hiệu suất cao và vận hành an toàn của các tàu ngầm và các nhà máy điện hạt nhân của chúng. Ông cũng là người tiên phong trong việc chuyển đổi từ sự phát triển riêng biệt, thiếu phối hợp của các loại vũ khí khác nhau sang các thiết kế có tính hệ thống.
Một thí dụ nổi bật là hệ thống tên lửa hạt nhân hải quân chiến lược Typhoon đã ghi dấu ấn rất lớn của Spassky về mặt kỹ thuật và tổ chức. Chính dự án này trong những năm 1980 và 1990 đã khiến các lực lượng NATO phải e ngại, không dám xâm phạm biên giới của Liên Xô, trong khi quân đội các nước trên thế giới phải kinh ngạc khi chứng kiến chiếc tàu ngầm nguyên tử khổng lồ của nước này thực hiện một hành trình độc lập mà không phát ra tiếng ồn lớn.
Một sản phẩm nổi tiếng khác của Igor Spassky là dự án 941 Akula - một con tàu có thiết kế độc đáo đến mức thậm chí từng được cho là không tưởng. Đó là một dự án tàu ngầm lý tưởng, vừa có hệ thống vũ khí rất đáng gờm với sức mạnh tương đương với Mỹ và NATO, vừa bảo đảm tối đa sự an toàn và điều kiện sinh hoạt cho thủy thủ đoàn. Trên tàu có các phòng xông hơi, thư giãn cho thủy thủ đoàn với âm nhạc, mỹ thuật, bể cá và chim cảnh. Hiện nay, tàu ngầm Dmitry Donskoy thuộc dự án Akula vẫn đang phục vụ trong phiên chế của Hạm đội phương Bắc.
Nhà lãnh đạo nhạy bén
Sau khi Liên Xô tan rã, Igor Spassky tham gia phát triển dự án thương mại quốc tế mang tên Sea Launch, xây dựng một sân bay nổi trên biển dựa trên cơ sở cải tạo một giàn khoan dầu. Cục Thiết kế Trung ương Rubinnhờ có sự đóng góp không nhỏ của Spassky cũng đã khẳng định là cơ quan thiết kế hàng đầu của Liên Xô, chuyên phát triển các dự án tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hành trình.
Dưới sự lãnh đạo của Igor Spassky, hàng loạt các dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân và diesel-điện như 667BDR Kalmar, Akula, 667BDRM Dolphin; tàu tuần dương tên lửa săn ngầm hạt nhân thuộc dự án 949 Granit và 949A Antey; các tàu ngầm diesel-điện thuộc các dự án 877 Halibut, 636 và 636M.
Một trong những thành tựu đáng chú ý khác của Spasskylà ông đã tạo ra một trường kỹ thuật và công nghệ hùng mạnh. Các học sinh của trường đã phát triển được các tàu tuần dương săn ngầm hạt nhân thuộc dự án Borey và Borey-A được đánh giá là “vô song” trên thế giới.
Không chỉ là giỏi về chuyên môn, Spassky còn là một nhà lãnh đạo nhạy bén. Dưới sự lãnh đạo của ông, Cục Thiết kế trung ương từ một phòng thiết kế chuyên ngành hẹp đã trở thành một doanh nghiệp đa lĩnh vực hiện đại.Trên cơ sở các công nghệ quốc phòng sẵn có, Cục này đã có những chuyển đổi quan trọng, thiết kế các thiết bị hàng hải để phục vụ cho các công trình ngoài khơi và các công trình dân dụng. Điển hình là việc tạo ra các giàn khoan có khả năng chống băng, hoạt động ngoài khơi để khai thác dầu và khí đốt, làm đường cao tốc và giao thông vận tải điện…
Dưới sự lãnh đạo của ông, Cục Thiết kế Trung ương Rubin đã thiết kế các giàn khai thác dầu khí trên thềm lục địa, trong đó có dự án xây dựng giàn khoan chống băng đầu tiên của Nga ở Bắc Cực Prirazlomnaya, đồng thời tham gia nhiều dự án giao thông, xây dựng công trình khác.Đặc biệt, chính Rubin là đơn vị đã thiết kế các cổng nổi cho hàng rào ngăn lũ của thành phố St.Petersburg.
Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Sevmash Mikhail Budnichenko - học trò của Spassky - cho rằng ông là một trong những hiện tượng hiếm có trong lịch sử, người đã cống hiến mọi tâm sức, tài năng để nước Nga có được hạm đội tàu ngầm như ngày nay. Ngoài ra, ông còn là nguồn cảm hứng và sáng tạo bất tận cho những dự án đóng tàu nói chung và trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ khác.
Còn Sergei Kovalev - nhà thiết kế ba thế hệ tàu ngầm của Nga, người đã làm việc với ông Igor Spassky trong hơn nửa thế kỷ - từng khẳng định, trong những năm khó khăn nhất của thời kỳ đầu chế tạo vũ khí chiến lược của lực lượng hải quân, chúng trong điều kiện kinh tế mới và với việc cắt giảm mạnh nguồn tài trợ của chính phủ, chính Spassky đã tái cơ cấu sản xuất và các hoạt động kinh tế, cho phép duy trì đội ngũ các nhà thiết kế của Cục thiết kế trung ương, đồng thời, tạo cơ hội để khai phá tiềm năng sáng tạo của họ.
Năm 2007, Igor Spassky rời công việc quản lý hành chính và tập trung vào việc phát triển các thiết bị hàng hải. Với những đóng góp to lớn của mình, ôngđã được phong nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa (1978), Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật (1978), Giáo sư (1984), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga (1987, lúc đó là Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô).
Ông cũng 2 lần vinh dự được trao tặng danh hiệu Công dân danh dự của St.Petersburg. Đồng nghiệp và những người từng tiếp xúc với Igor Spassky đều nhận xét ông là người có uy tín cao, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc trong công việc nhưnglà một người dễ gần và có khiếu hài hước trong cuộc sống thường ngày. Đặc biệt, với kiến thức uyên thâm và hiểu biết rộng ,ông có thể ngay lập tức phản hồi một ý kiến chuyên môn từ người khác hay đưa ra quyết định về một vấn đề mà không cần xem bất kỳ tài liệu nào.