Người làm báo cần một cái “đầu lạnh” để không bị Internet cuốn đi …

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bàn về nghề báo, về những người làm báo đi trước cũng là một cách tôn vinh nghề báo và tri ân những người làm báo. Cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Duy Ngoãn – Nguyên Giám đốc Đài PTTH Nghệ An, nguyên Chủ tịch hội Nhà báo Nghệ An, hiện là Trưởng đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh đời sống tại Nghệ An nhân ngày 21/6 cũng với mục đích như vậy.
Nhà báo Trần Duy Ngoãn phát biểu tại khai mạc buổi tập huấn “ Kỹ năng sản xuất video cho báo điện tử”
Nhà báo Trần Duy Ngoãn phát biểu tại khai mạc buổi tập huấn “ Kỹ năng sản xuất video cho báo điện tử”

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với nghề báo?

Nhà báo Trần Duy Ngoãn: Từ nhỏ tôi đã đam mê đọc báo, những câu chuyện đọc được tôi thường kể lại cho các bạn chăn trâu trong làng, được các bạn say sưa lắng nghe. Ngay từ khi học cấp hai tôi đã có những bài viết về các tấm gương trên báo Thiếu niên Tiền Phong.

Trong thời gian huấn luyện tại quân ngũ tôi tích cực viết tin, bài cho tờ tin của đơn vị, được đồng đội và các thủ trưởng hoan nghênh cổ vũ động viên.

Từ sự đam mê nghiệp báo nên dù làm cán bộ quản lý Nhà nước ở huyện nhưng tôi đã quyết tâm theo học Đại học Báo chí, đây là cơ duyên để tôi gắn bó suốt đời với nghề báo.

PV: Với hàng chục năm trong nghề, hàng nghìn tác phẩm báo chí, có câu chuyện, nhân vật hay lần tác nghiệp nào ông nhớ nhất không ?

Nhà báo Trần Duy Ngoãn: Cha ông ta đã từng đúc kết “sinh nghề, tử nghiệp”, một trong nhiều kỷ niệm về cuộc đời làm báo khiến tôi không quên được là tôi suýt chết trong đợt đi đưa tin về trận lũ quét ở xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) ngày 5/10/2007). Trận lũ đã cuốn trôi 16 người ở các bản.

Để kịp thời đưa tin, cánh nhà báo chúng tôi phải lội bộ hơn chục cây số từ trung tâm huyện tới các bản của xã Nậm Giải nước chảy xiết (thời đó chưa có áo phao) tôi bị trượt chân và nước lũ cuốn trôi hơn 2 mét. Nhờ các đồng nghiệp và cán bộ huyện đi cùng kéo lại được nên tôi đã thoát khỏi tử thần của cơn “đại hồng thủy”. Chiếc máy ảnh NIKON của tôi mang theo đã bị ngập trong nước bùn không thể khắc phục được, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Phóng sự ảnh “Công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả trong cơn “Đại hồng thủy” Nậm Giải đã đạt giải Báo chí Nghệ An 2008.

Người làm báo cần một cái “đầu lạnh” để không bị Internet cuốn đi … ảnh 1Nhà báo Trần Duy Ngoãn trong một lần tác nghiệp

PV: Mới đây, tác phẩm của bác đã lọt vào chung khảo Giải báo chí Việt Nam. Động lực nào giúp ông giữ vững tay bút như hiện nay?

Nhà báo Trần Duy Ngoãn: Sự đam mê nghề nghiệp luôn cuốn hút tôi. Chỉ tính riêng về thể loại phim Ký sự Truyền hình, tôi và các đồng nghiệp đã trực tiếp sản xuất gần 100 tập phim Ký sự… tiêu biểu như: “Ký sự nước Lào” 50 tập, “Ký sự Điện Biên” 15 tập, “Ký sự Sông Giăng” 21 tập, “Ký sự Côn Đảo” 9 tập được đồng nghiệp và công chúng mến mộ.

Thực tế trong lương tâm và trách nhiệm đối với nghề, các tác phẩm báo chí mà cá nhân tôi thực hiện hoặc cùng nhóm phóng viên thực hiện được đăng tải, phát sóng không phải để đi thi để lấy giải. Tôi cho rằng, các giải báo chí nói chung, giải báo Quốc gia nói riêng, việc gửi tác phẩm tham gia giải cũng là một cách học tập các đồng nghiệp, để mình tiếp tục thắp lửa nghề, tiếp tục nỗ lực để sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội cao.

PV: Gần đây, trên mạng xã hội có lan truyền về cuốn sách Từ điển từ ngữ Nam Bộ. Trong đó có định nghĩa “nhà báo là người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, ra trường ở nhà làm báo chứ không làm được gì”. Ông nghĩ sao về việc này?

Nhà báo Trần Duy Ngoãn: Tôi cho rằng đây là một định nghĩa rất sai lệch, có dụng ý xấu. Bởi, tư tưởng Hồ chí Minh về báo chí và nhà báo Cách mạng khẳng định: “Bất cứ nghề gì cũng cao quý, rất đáng tôn vinh, nhưng làm báo, với tinh thần đặc thù của nó, lực lượng góp phần dẫn dắt tư tưởng, văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc càng có ý nghĩa đặc biệt, được nhân dân tin yêu, gửi gắm. Càng gian khó, phẩm chất đạo đức làm nghề càng tỏa sáng. Sự cao quý của nó, niềm vinh dự và tự hào của những người làm báo, trong thử thách càng được nhân lên”.

Báo chí với khí chất kiên cường, dũng cảm, dám xả thân là lực lượng đi đầu trong hoạt động tư tưởng, văn hóa của Đảng, trong phong trào hành động cách mạng của nhân dân. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, người làm báo như những người lính tiên phong ngoài mặt trận. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đại dịch Covid-19 các nhà báo cùng lăn xả với lực lượng tuyến đầu chống dịch…báo chí thực sự là vũ khí sắc bén trên mọi mặt trận.

PV: Phần lớn phóng viên hiện nay đều rất cố gắng hoạt động báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, tuy nhiên, có một số nhỏ phóng viên đang lợi dụng nghề để làm những việc không đúng với đạo đức nghề nghiệp. Ông nghĩ sao về hiện tượng này ?

Nhà báo Trần Duy Ngoãn: Những “Con sâu làm rầu nồi canh” đây là một điều rất buồn lẽ ra không nên có trong đội ngũ làm báo Cách mạng Việt Nam của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng, vì “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Đối với người làm cách mạng, theo Người “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.

Xuất phát từ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về báo chí cách mạng, tôi nghĩ hiện tượng trên chỉ là nhất thời của số ít phóng viên có thể khắc phục được.

PV: Có một thực tế là mạng xã hội đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cách thức đưa tin truyền thống của báo chí. Vậy theo ông báo chí hiện đại phải ứng xử thế nào với mạng xã hội, trách nhiệm xã hội ?

Nhà báo Trần Duy Ngoãn: Chúng ta biết rằng, trong kỷ nguyên số, mạng xã hội thông tin quá nhanh, lan tỏa sâu rộng, tác động nhiều chiều đến đời sống xã hội, trong đó có những thông tin xấu độc. Để ứng xử với thực trạng này, tôi nghĩ đối với từng cơ quan báo chí và phóng viên phải luôn đề cao tính nhân văn, tính Nhân dân, tính giáo dục, tính kiểm chứng khi đưa thông tin.

Để làm tốt vai trò của mình, báo chí hiện đại phải thường xuyên nâng cao nhận thức và trình độ văn hóa, kiến thức thực tiễn của phóng viên, bồi dưỡng kiến thức làm báo hiện đại, chuyên nghiệp trong thu thập, xử lý, đưa thông tin. Coi trọng công tác biên tập, kiểm chứng khi đưa thông tin. Lấy hiệu quả truyền thông làm mục tiêu phát triển bền vững tờ báo, không để áp lực về nguồn thu quảng cáo làm lu mờ hình ảnh của cơ quan báo chí, phóng viên.

PV: Là một người làm báo lâu năm, nhân dịp ngày 21/6 ông có lời nhắn nhủ cho những người làm báo trẻ như chúng cháu.

NB Trần Duy Ngoãn: Nếu dành lời khuyên thì sẽ rất chủ quan, bởi các nhà báo trẻ có nhiều lợi thế: Trình độ đào tạo bài bản, chuyên sâu, kỹ năng sử dụng công nghệ rất tốt, cập nhật thông tin nhanh, độ nhạy cảm cao, việc sáng tạo tác phẩm báo chí nhanh hơn, hấp dẫn hơn…như vậy điều kiện cần và đủ là khá tốt. Tuy vậy, mỗi phóng viên cần tiếp tục nhận thức vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sâu sát thực tế, nắm vững chuyên môn, đoàn kết, cộng sự, giúp đỡ, tôn vinh đồng nghiệp để nhân dân tin yêu.

Quỳnh Trang thực hiện !

Đọc thêm