Người nuôi cá lóc lao đao trong mùa dịch

(PLVN) - Nhiều năm trở lại đây, ngoài các nghề truyền thống, tại một số địa phương đã áp dụng mô hình nuôi cá lóc vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, cũng giống như những mặt hàng khác ở Việt Nam, khi người nông dân ồ ạt sản xuất thì xuất hiện tình trạng thương lái ép giá do đầu ra hạn hẹp.
Ông Hồ Hoàng Học bên hầm cá đang vào vụ thu hoạch nhưng đến nay phải chịu cảnh “ngâm cá trong ao”.
Ông Hồ Hoàng Học bên hầm cá đang vào vụ thu hoạch nhưng đến nay phải chịu cảnh “ngâm cá trong ao”.

Quá khứ thoát nghèo từ mô hình nuôi cá lóc

Mô hình nuôi cá lóc trên đất cồn ở xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long được phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Đất đai ngày càng khan hiếm nhiều gia đình chỉ có 3-4 công đất, nếu khá hơn thì được khoảng hơn 10 công. Nếu áp dụng phương pháp trồng lúa, trồng trái cây, người nông dân không kiếm được lợi nhuận cao. Vì vậy mô hình nuôi cá lóc đang phát triển rầm rộ. 

Nghề được bắt đầu từ những định hướng ban đầu của Hội nông dân và được đúc kết kinh nghiệm từ thực tế các nhà nông. Chi phí cho 1 hầm cá được đầu tư khoảng 600-700 triệu đồng. Ao nuôi được thiết kế theo hình chữ nhật, thuận tiện cho công tác thu hoạch. Diện tích ao nuôi khoảng 2.000m2, độ sâu dao động 2m- 2,5m. Giống cá được người dân chọn lựa và đưa từ An Giang về, mỗi hầm cá có thể nuôi được 90 ngàn con. Nguồn thức ăn tận dụng từ nguồn cá con có trên địa bàn và thức ăn công nghiệp. 

Tại các cồn thuộc địa bàn huyện có nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác lấy nước cho đàn cá. Vào mùa mưa sẽ là thời điểm vàng của nghề nuôi cá. Chỉ sau hơn 6 tháng, trễ lắm là 7 tháng, có thể cho thu hoạch. Tùy vào giá cả thị trường mà sẽ cho ra lợi nhuận khác nhau, thường thấp nhất cũng hơn 50 triệu đồng/ao. 

Là một nhà nông bén duyên với nghề nuôi cá hơn hai năm nay, ông Hồ Hoàng Học (64 tuổi, ấp Long Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) vừa cho đàn cá ăn vừa chia sẻ: “Nhà tôi được 4 hầm cá, 1 hầm lớn và 3 hầm nhỏ, hồi xưa tôi cũng trồng lúa làm rẫy nhưng cực lắm, giờ chuyển sang nuôi cá khỏe hơn nhiều. Trung bình khoảng một năm cho thu hoạch 2 lần cũng có dư. Giá cá thì thay đổi theo mùa, đợt rồi ảnh hưởng của dịch thì còn 28.000 - 32.000/1kg; lúc trước có lúc cao lên đến 38.000 - 40.000/kg”. Nhờ vào nghề nuôi cá lóc mà nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Đầu ra sản phẩm vẫn còn nan giải

Cũng giống như nhiều mặt hàng khác ở Việt Nam, khi người nông dân ồ ạt sản xuất thì xuất hiện tình trạng thương lái ép giá do đầu ra hạn hẹp. Cộng thêm vừa rồi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, hàng hóa không xuất khẩu sang nước ngoài và bị tồn đọng lại trong nước, giá cả lại bấp bênh. Nên hiệu quả kinh tế mang lại không được như mong muốn vì lợi nhuận không được đảm bảo. 

Nghề nuôi cá đã tồn tại ở địa phương khoảng 7 - 8 năm nay, toàn xã có hơn 6.500 ha nuôi trồng với hơn 58 hầm cá. Về sau số lượng hộ nuôi tự phát tăng lên do hiệu quả trước mắt cộng thêm việc nhà nông không có sự lựa chọn giá cả và người mua. Nhưng nay có nhiều hầm cá đã đến lứa thu hoạch, mà không có người mua nên người nông dân đành chịu cảnh “ngâm cá trong ao”. 

“Đến nay cá đã lớn, nhưng giá mùa này thấp lắm do dịch bệnh kéo dài, nguồn ra không có nên càng khó khăn hơn. Để có vốn làm những hầm cá này phải vay của ngân hàng. Chỉ mong cho suôn sẻ làm ăn được để trả vốn với kiếm tiền lời trang trải cuộc sống”, ông Học chia sẻ. 

Nhận định được tình hình khó khăn hiện tại, Hội Nông dân xã đã đề ra nhưng kiến nghị, tham mưu trình cấp trên để hỗ trợ giải quyết khó khăn tạm thời cho nông dân. Ông Lê Văn Bay, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Sĩ Thành, cho biết: “Giá có lóc hiện nay không ổn định, do chỉ có một công ty độc quyền thu mua sản phẩm. Khi đến vụ thu mua thì mới được báo giá chứ không được biết trước. Thế nên đã xảy ra tình trạng ép giá, vì khó khăn quá nên có một số hộ đã bỏ ao”. Khó khăn lại càng thêm khó khăn, đầu ra sản phẩm đã hẹp nay lại chịu ảnh hưởng của dịch nên thị trường càng “bóp nghẹt”.

Ông Bay kiến nghị rất mong các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền sẽ có những biện pháp gỡ khó, chủ trương chính sách lâu dài để người dân yên tâm tập trung nuôi cá, phát triển kinh tế địa phương. 

Đọc thêm