Từ việc đi tảo mộ, tới việc sắp mâm cơm cúng ông bà tổ tiên cũng được chú ý từng chi tiết. Bởi lẽ, với họ đây là dịp mà con cháu tưởng nhớ và báo hiếu đối với những người đã khuất, đồng thời cũng là thời điểm để các anh em trong gia đình gặp gỡ, ôn lại chuyện xưa, chuyện cũ.
Độc đáo mâm cúng với các số 5
Nếu như ở một số nơi, người ta thường đi tảo mộ vào cuối tháng Chạp, với mong muốn đón ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu thì người Sán Dìu lại đi tảo mộ vào ngày Tết Thanh Minh. Thanh Minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm, tiết Thanh Minh được tính theo quy luật vận hành của mặt trời - dương lịch, chứ không phải theo quy luật vận hành của mặt trăng - âm lịch như mọi người từng nghĩ. Năm nay Tiết Thanh Minh rơi vào 1 tháng 3 âm lịch tức mồng 5 tháng 4 dương lịch.
Tại Vĩnh Phúc, người dân tộc Sán Dìu sống tập chung tại các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo dọc theo dãy núi Tam Đảo. Tại đây đa số đồng bào dân tộc Sán Dìu vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình, trong đó không thể không nhắc tới những đặc sắc văn hóa của Tết Thanh Minh.
Ông Đàm Ngọc Thiện thầy cúng tại xã Đạo Trù huyện Tam Đảo cho biết: “Tết Thanh Minh là một tết lớn trong năm của dân tộc chúng tôi. Đối với người Sán Dìu Tam Đảo có phong tục “nhất táng thiên thu” (người chết chỉ chôn một lần, không cải táng như phong tục của người Kinh). Do vậy, Tết Thanh Minh là dịp để con cháu chăm sóc “nhà cửa” của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất”.
Tết Thanh Minh của người dân tộc Sán Dìu sẽ có một ngày chính (năm nay là ngày 1/3 âm lịch), trước ngày chính ba ngày, người Sán Dìu sẽ tụ họp con cháu đông đủ đi tảo mộ. Mộ của người Sán Dìu thường không tập trung, khoảng cách giữa các mộ rất xa, nên việc tảo mộ có thể mất cả ngày, thậm chí hai ngày mới xong.
Người dân tộc Sán Dìu tảo mộ rất tỉ mỉ và sạch sẽ. Các phần mộ được dọn sạch cỏ dại, đắp lại đất cho gọn gàng hoặc quét lại vôi cho mới. Đối với những phần mộ được xây gạch ốp thì sẽ được lau chùi sạch sẽ. Sau đó treo 5 cán cờ nhỏ có dán giấy hình nhân với màu sắc rực rỡ ở bốn góc mộ và chính giữa mộ. Mộ nào có nhiều cờ hình nhân treo lên 5 cán thì chứng tỏ người đó có đông con, đông cháu.
|
Bánh trôi cũng được người Sán Dìu làm trong Tết Thanh Minh giống như ở một số nơi khác |
Anh Hoàng Văn Ánh người dân xã Đạo Trù huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc chia sẻ: “Từ nhỏ chúng tôi đã được theo chân các anh, các chú đi tảo mộ mỗi dịp Tết Thanh Minh, tôi nhận thấy đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt nói chung và của dân tộc Sán Dìu chúng tôi nói riêng”.
Trước ngày đi tảo mộ, người nhà đi lấy lá lau xau trên rừng, băm nhỏ mang ngâm lấy nước, bỏ bã. Lấy một con dao cùn, nung đỏ rồi nhúng vào nước ngâm lá lau xau. Vo gạo nếp, để ráo rồi đổ nước lá lau xau đã đun sôi vào ngâm gạo. Sau đó lấy gạo đó mang đồ xôi. Xôi sẽ có màu đen nhìn rất lạ mắt, xôi này dùng để cúng, đi tảo mộ, hoặc có thể mang đi rừng. Xôi đen là một món ăn hấp dẫn của người dân tộc Sán Dìu, món xôi này vừa bảo quản được lâu, vừa là vị thuốc quý chữa bệnh đau đầu hay còn có tác dụng bổ máu, phù hợp với những người mới ốm dậy. Nhưng ngày nay, lá lau xau rất khó kiếm nên người Sán Dìu đã thay bằng xôi đỗ. Có gia đình thì kỳ công lên rừng kiếm trứng kiến về thổi xôi trứng kiến hoặc bánh trứng kiến để cúng tổ tiên với ngụ ý là mong muốn được con đàn, cháu đống.
Bên cạnh xôi đen và xôi trứng kiến thì người Sán Dìu còn làm bánh trôi như người Kinh ở các vùng khác. Ngoài ra, dịp Thanh Minh này người dân tộc Sán Dìu còn có nhiều loại bánh đặc sắc khác như: bánh “nép cóc phô” (gần giống như bánh sủi cảo, nhưng thay nhân thịt là nhân đỗ), bánh chấy (giống bánh trôi nhưng không có nhân và bao đường bên ngoài. Mâm cơm cúng của người Sán Dìu ở mộ gồm có 5 nắm xôi, 5 con cá trôi trắng nướng, 5 chén rượu.
Người già nhất trong gia đình sẽ đọc bài cúng thể hiện sự thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu có cuộc sống khỏe mạnh, đủ đầy. Khi hương tàn, tất cả mọi người ngả mâm quây quần cùng ăn ngay tại mộ, chuyện trò vui vẻ như muốn tri ân cùng người quá cố. Đến ngày chính Thanh Minh thì mỗi gia đình lại tập trung con cháu làm cơm cúng tại nhà. Tại bàn thờ gia tiên thì cúng gà, xôi, rượu và bánh.
|
Các phần mộ được người dân tộc Sán Dìu dọn dẹp sạch sẽ và cắm cờ trước ngày tết Thanh Minh |
Gìn giữ nét đặc sắc của dân tộc qua mỗi dịp Tết Thanh Minh
Người Việt ta từ xưa tới nay, luôn đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Tết Thanh Minh là thời điểm để người Việt ta thể hiện rõ đạo lý này. Tết Thanh Minh đối với người dân tộc Sán Dìu được coi là một tết lớn trong năm , bởi lẽ với đồng bào nơi đây họ luôn đề cao và đặt chữ “Hiếu” lên đầu. Dịp tết này là dịp để họ bày tỏ đạo hiếu, đền ơn đáp nghĩa, công ơn nuôi dưỡng sinh thành đối với ông bà tổ tiên, với những người đi trước. Đồng thời tại đây, cũng là dịp để cao niên trong họ truyền lại cho con cháu đời sau ghi nhớ đến phần mộ của ông bà, tổ tiên, để thế hệ về sau có thể biết và ghi nhớ về cội nguồn của mình.
Chị Đàm Thị Thu người dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc chia sẻ: “Đối với bản thân tôi, tôi thấy Tết Thanh Minh là một ngày tết rất quan trọng và ý nghĩa, ngay từ nhỏ tôi đã được mẹ và bà nội dạy cho cách làm bánh, thổi xôi đen và được nghe các câu chuyện về nguồn cội của mình. Tôi rất trân quý những tập tục đặc sắc tại quê hương của mình”.
Có thể nói các tập tục ngày Tết Thanh Minh của người dân tộc Sán Dìu là nét đẹp nhân văn, có tính chất giáo dục cho thế hệ con cháu đời sau. Đồng thời, những tập tục này còn mang đậm bản sắc của riêng dân tộc Sán Dìu, cần được gìn giữ và lưu truyền cho muôn đời sau.
Các Tết trong năm của người Sán Dìu
Tết to nhất là Tết Cả, Tết Tháng giêng được chuẩn bị nhộn nhịp từ trước Tết 16 ngày và sau Tết 15 ngày, mọi việc làm đều tập trung vào ăn Tết. Người thịt lợn, thịt gà sống thiến, còn có cá to. Bánh có nhiều loại, phổ biến là bánh chưng (gù) , bánh gio… Vào dịp Tết tháng giêng, các cô gái đi lấy chồng (xa hay gần) cũng về thăm cha mẹ. Cái lễ mang theo có con gà sống thiến hoặc cái chân giò lợn, để đáp lại công ơn cha mẹ; các chàng rể mang theo chè lam, kẹo bánh đến chúc tết cha mẹ và anh em vợ. Mâm cỗ cúng ngày 30 tết là mâm cỗ đầy đủ các món ăn, lễ lạt bánh trái thể hiện công sức lao động của toàn thể gia đình trong một năm vất vả. Mọi người chúc nhau sang năm mới có sức khỏe để làm ăn đạt kết quả cao hơn năm cũ.
Tiếp là Tết Thanh Minh (sênh mênh chét) vào dịp tiết trời tháng ba. Việc ăn uống phục vụ chủ yếu tập quán tảo mộ. Có thịt lợn, thịt gà, và các món không thể thiếu là cá để cúng ở bàn thờ tổ tiên và các ngôi mộ của dòng họ. Món ăn đặc biệt trong Tết Thanh Minh là xôi đen, một loại xôi làm bằng gạo nếp ngâm nước lá lau, xôi có màu đen nhánh rất thơm ngon.
Sau Tết Thanh Minh là tết Đoan Ngọ (ngù nhọt chét) mồng 5 tháng 5. Người ta gói bánh chưng gù như Tết Cả. Nhà có điều kiện thì gói cả bánh gio; ngoài ra còn làm bánh trôi, rượu nếp cái. Sáng mồng 5 người ta cùng nhau ăn hoa quả như dưa gang (slúi loàng ca), mận (lý chấy), quả vải (vải thiều- dép bá chấy), quả dứa (bô mét chấy), quả xoài (bu thòi chấy)… có ý nghĩa giết sâu bọ, không cho sâu bọ có nới ẩn nấp, để mùa màng được bội thu.
Tết 14 tháng 7 âm lịch (xiết nhọt chẹt), người ta cũng tụ tập đông đủ mọi thành viên trong gia đình để tổ chức ăn uống vui vẻ, gồm thịt lợn, thịt vịt, bánh dợm, bánh gio…
Tết Cơm Mới (Slệch slin máy) thường ăn vào khoảng ngày 10 tháng 10 âm lịch. Người ta làm lễ cúng tổ tiên và thổ thần, có thịt lợn, thịt gà, nấu cơm bằng gạo mới và nhiều loại thức ăn như rau bí, mướp, đậu, khoai sọ nấu với thịt vịt, thịt ướp chua (đi ép nhộc), cá tôm cua ốc mới bắt về; và làm nhiều loại bánh, có bánh dầy, bánh dợm bằng gạo mới thu hoạch.
Tiếp đến là Tết Đông Chí (tòng chị chét). Thức ăn có cơm nếp, thịt gà, thịt lợn và nhiều loại bánh nếp và bánh tẻ. Bánh nếp có bánh dợm, bánh nếp bên trong giống hình tam giác (nép cọc phồ). Bánh tẻ có bánh chưng gói bằng bột gạo tẻ nhưng nhân thịt xào hành đã chín tái.