Cai nghiện khó, tái nghiện dễ
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang có 189/209 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, TP có người nghiện ma túy. Số người có hồ sơ quản lý là hơn 2.000 người.
Trong đó, gần 50% người đang điều trị bằng thuốc thay thế methadone tại cộng đồng, hơn 6% người cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, số còn lại được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Các địa phương có số người nghiện cao là: TP Bắc Giang, Lục Ngạn, Tân Yên, Lạng Giang.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang), độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, lứa tuổi từ 18-30 chiếm gần 60%. Ngoài sử dụng heroin, hơn 80% đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá.
Tỷ lệ người nghiện đến nay vẫn chưa có chiều hướng giảm, kéo theo đó là số người cai nghiện cũng tăng cao. Tuy nhiên, thực tế số người đến cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp.
Trong khi đó, số người mặc dù đã cai nghiện thành công nhưng cũng rất dễ bị tái nghiện, nhiều bệnh nhân từng chia sẻ "rất muốn từ bỏ nhưng không thoát khỏi cám dỗ, bế tắc trong cuộc sống, nên chỉ vài tháng sau là tái nghiện".
Đáng chú ý là số người cai nghiện từ hai lần trở lên trong vòng 10 năm trở lại đây chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 60% tổng số người nghiện cơ sở tiếp nhận.
Hỗ trợ người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Có thể thấy, bên cạnh số nghiện mới thì nguy cơ tái nghiện đối với người sau cai là rất lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện rất khó khăn.
Khó khăn đầu tiên của người sau cai nghiện khi hòa nhập cộng đồng sự mặc cảm, tự ti. Đặc biệt, khi trở về gia đình đa số người sau cai nghiện gặp phải sự kỳ thị, không tìm được việc làm ổn định, không được học nghề. Điều này dẫn đến sớm nảy sinh tiêu cực, nhớ đến “bạn nghiện”, nhớ đến các chất kích thích và làm cho tỷ lệ tái nghiện sau cai cao hơn. Trung bình đối với người sau cai nghiện chỉ từ 6 tháng đến một năm đã tái nghiện.
Bên cạnh đó, công tác quản lý sau cai nghiện còn nhiều bất cập, việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện có làm nhưng hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý, người sau cai thường rất khó xin việc tại các doanh nghiệp, họ thường phải đến địa phương khác để sinh sống.
Mặc dù con đường “trở lại làm người” thật không dễ dàng, nhưng có những người có được sự quyết tâm và ủng hộ của gia đình, tổ chức xã hội đã từ bỏ con đường nghiện ngập quay trở lại với cuộc sống đời thường.
Anh N.T.L, một người nghiện ở xã Lam Cốt, huyện Tân Yên tham gia điểm tư vấn, điều trị nghiện ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) mỗi tháng 2 buổi chia sẻ: “Tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là cắt cơn, từng có lúc muốn buông xuôi khi những cơn thèm thuốc quay trở lại. Nhờ có người thân động viên, nhất là các thành viên trong nhóm chia sẻ, lại được cán bộ điểm tư vấn, nhắc nhở dùng Methadone đều đặn, tôi có thêm quyết tâm không trở lại con đường cũ”.
Để giúp người sau cai nghiện nhanh chóng tái hòa nhập được cộng đồng, Bắc Giang cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ, phù hợp.
Đồng thời, tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người nghiện sau cai để họ từng bước ổn định cuộc sống, giảm tối đa nguy cơ tái nghiện. Bên cạnh đó là tuyên truyền, giáo dục, vận động người sau cai nghiện tránh xa ma túy; gia đình và xã hội cần giúp đỡ, chia sẻ và hỗ trợ người sau cai quay trở lại với cuộc sống bình thường.