Người Thái ở Tây Bắc giữ hồn dân tộc trong thời hội nhập

(PLVN) - Văn hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc nổi tiếng với biểu tượng hoa ban trắng, múa xòe, khăn piêu và những người con gái tươi tắn, khỏe mạnh như núi rừng Tây bắc hùng vĩ nhưng cũng không kém phần duyên dáng, uyển chuyển như dòng sông Đà vắt qua đây, khiến biết bao lòng người say đắm. 
Khi còn trẻ, phụ nữ đã học cách dệt và thêu, thậm chí họ còn chuẩn bị những bộ chăn, gối để làm của hồi môn.

Tuy nhiên, nền văn hóa hội nhập hiện nay gặp không ít thách thức khi một số bộ phận lớp trẻ không còn thích mặc trang phục dân tộc, không biết đến những ngành nghề truyền thống. Vậy làm thế nào để gìn giữ cốt hồn, cốt túy của dân tộc mình trong thời kỳ hội nhập với “văn hóa ngoại lai”? 

“Úp tay thành hoa đào nở, mở tay nở bừng hoa gạo” 

Từ nhiều đời nay, người Thái thường sử dụng các sản phẩm từ dệt, thêu thùa trong cuộc sống, từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ sinh hoạt hàng ngày đến các lễ hội lớn. Ở Tây bắc, thật không khó để bắt gặp những cỗ máy xe sợi, khung cửi dệt vải và những cô thiếu nữ ngồi cặm cụi thêu thùa, may vá bên nếp nhà sàn. 

Tục ngữ Thái có câu “nhinh hụ dết phải, trai hụ san he” có nghĩa là “gái biết làm vải, trai biết đan chài”, Ngay từ lúc lên sáu, lên bảy, các cô bé Thái đã được chỉ bảo, làm quen với việc nhặt bông, se sợi và lớn hơn một chút thì bắt đầu dệt vải.

Người phụ nữ Thái thường phải mất từ mười cho đến hàng chục năm để có thể nhuần nhuyễn kỹ năng và cho ra những sản phẩm đẹp, được đánh giá cao. Đó cũng chính là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đức hạnh và giỏi giang của một người con gái, là tiêu chuẩn để các chàng trai chọn vợ. 

Để dệt được một vải đẹp thường phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì. Mất nhiều tháng để trồng bông, thu hoạch, cán bông, tách hạt ra khỏi bông, sau đó bật bông, cuộn bông thành những cuộn nhỏ rồi mới kéo sợi. Tiếp theo là hồ vải bằng cơm nấu nhão để cho sợi vải cứng, bền.

Hồ vải xong mang đi phơi nắng, cho khô ráo rồi mới mang lên khung cửi để dệt. Quá trình nhuộm màu thường cầu kỳ hơn, từ việc tìm nguyên liệu từ cây cỏ, củ quả…để có được những màu sắc hấp dẫn như xanh, đỏ, tím, vàng…. Mỗi màu sắc kết hợp với nhau để dệt nên tấm thổ cẩm đều thể hiện sự tinh túy của đất trời.

Màu đen tượng trưng cho đất, màu xanh cho cây cỏ, màu vàng biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, màu đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người. Được thêu dệt với nhiều hoa văn, hoạ tiết như hình quả chám, hình cây cối, hoa lá, chim muông hết sức độc đáo, tinh xảo.

Theo phong tục, bắt đầu từ năm 13, 14 tuổi, những cô gái Thái đã phải chuẩn bị cho việc mình đi lấy chồng bằng cách họ phải tự tay chuẩn bị của hồi môn cho gia đình nhà chồng như gối, chăn đệm, khăn piêu, túi, quần áo…Mỗi đường chỉ, mỗi nét hoa văn đều là tinh hoa của mỗi cô gái là thể hiện tấm chân tình, khả năng vun vén của mình thông qua từng tấm vải thổ cẩm do mình dệt lên. 

Vào mỗi dịp có lễ hội, Tết cổ truyền hay các sự kiện của gia đình, ai ai cũng hân hoan với những chiếc khăn piêu tinh tế, những họa tiết trang trí hấp dẫn trên áo váy để khoe với mọi người thành quả bao ngày của mình. Để ca ngợi đôi bàn tay tài hoa và sự siêng năng của người phụ nữ Thái, tục ngữ Thái mới có câu: “Úp tay thành hoa đào nở/ Mở tay nở bừng hoa gạo”.

Bài toán lưu giữ tinh hoa dân tộc

Cuộc sống hiện đại đã thay đổi nhiều giá trị trong đời sống xã hội, những người trẻ con em dân tộc Thái cũng dần dần thoát ly khỏi cái cày, cái cuốc, thoát khỏi ruộng nương để đi làm ăn, học tập và trở thành những công dân toàn cầu. Chị em phụ nữ Thái ngày nay có nhiều người không có ai biết kéo sợi, dệt vải.

Bên nếp nhà sàn của mỗi gia đình đã vắng bóng khung cửi dệt vải truyền thống ngày nào. Chỉ còn lại những bà, những mẹ ở vùng sâu, vùng xa vẫn ngày ngày đưa thoi, quay sợi, gảy hoa văn níu kéo truyền thống. Nghề dệt vải cũng vì thế mà trở nên manh mún, mai một trước sức ép, sự đa dạng của các sản phẩm dệt công nghiệp.

 Phụ nữ Thái Trắng mặc áo có cổ hình chữ V ở phía trước và không búi tóc (Tẳng Cẩu) khi lấy chồng. Phụ nữ Thái Đen mặc áo cổ cao, khăn đội đầu trang trí công phu hơn (khăn Piêu) và Tẳng Cẩu khi lập gia đình.

Vài năm trở lại đây, chính quyền một số tỉnh Tây Bắc đã bắt đầu quan tâm đến du lịch - ngành công nghiệp không khói với nhiều dự án du lịch cộng đồng gắn với giới thiệu và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống là một tín hiệu đáng mừng.

Điều đó đã góp phần thúc đẩy những nghệ nhân tiếp tục duy trì các cách dệt vải truyền thống và giúp lớp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ văn hóa dân tộc, quảng bá và thu hút khách du lịch cũng chính là góp phần tăng thêm nguồn lực kinh tế cho gia đình. 

Với tình yêu tha thiết dành cho nghề dệt thổ cẩm của dân tộc, lại là người có tri thức, bà Cà Thị Thỏa (chủ nhiệm HTX Nặm La, tỉnh Sơn La) nhận thấy những giá trị truyền thống của dân tộc mình, bà đã cùng các chị em trong bản thành lập Hợp tác xã Nặm La với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống của dân tộc, giới thiệu tới bạn bè trong nước và quốc tế những sản phẩm tinh hoa do bàn tay của những người phụ nữ Thái làm ra.

Khởi đầu với 10 thành viên và 10 bộ khung cửi truyền thống, bà Thỏa cùng các thành viên đã lặn lội đi tìm nơi cung cấp các loại chỉ may và bông gạo chất lượng cao về làm nguyên liệu sản xuất. Các sản phẩm đều được dệt hoàn toàn thủ công, các họa tiết trên vải được thêu theo đúng phong cách hoa văn của người Thái.

Tuy mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, kiên trì nhưng bà Thỏa xác định không chú trọng vào giá cả để tránh đối đầu với các sản phẩm dệt công nghiệp mà chú trọng vào nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, mẫu mã đa dạng  phù hợp với thị hiếu khách hàng, có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, bà mở thêm dịch vụ ăn uống ẩm thực là các món ăn của dân tộc kết hợp trưng bày các sản phẩm dệt truyền thống của các xã viên để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời quảng bá được về đời sống, văn hóa của dân tộc Thái. 

Chia sẻ về chuyến du lịch của mình, Chị Nguyệt - một du khách đến từ Hưng Yên cảm thấy rất thích thú khi được bà Cà Thị Thỏa dạy cách dệt vải theo truyền thống của người Thái. Chị Nguyệt cho rằng bên cạnh phong cảnh núi non hùng vĩ, không khí trong lành, con người hiền hòa thì việc được trải nghiệm cách thức làm ra các sản phẩm truyền thống, thưởng thức ẩm thực dân tộc là một nét độc đáo, không phải điểm du lịch nào cũng có được. 

Không chỉ có bà Thỏa, hiện nay nhiều hộ gia đình tại các khu du lịch như Mai Châu - Hòa Bình, Mộc Châu - Sơn La đã chú ý phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, homestay kết hợp với trải nghiệm văn hóa dân tộc, kinh doanh các sản phẩm thủ công để thu hút khách du lịch.

Việc trưng bày và sử dụng trong những hộ gia đình làm lưu trú tại bản bằng các sản phẩm truyền thống như rèm cửa, chăn, gối, đệm khiến du khách không chỉ cảm thấy gần gũi mà còn rất độc đáo. Dần dần, chị em còn nghiên cứu cải tiến mẫu mã và làm ra những sản phẩm như mũ, khăn, túi xách, hộp đựng đồ trang điểm, túi đựng ipad, máy tính... để bày bán cho du khách làm quà lưu niệm.

Sự giao thoa về văn hóa bên cạnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh một bộ phận giới trẻ còn thờ ơ với văn hóa truyền thống thì vẫn còn nhiều bạn trẻ năng động, có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc.

Họ mặc quần áo dân tộc, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong đời sống hàng ngày, học nghề thủ công truyền thống và nỗ lực đem hình ảnh, bản sắc của dân tộc mình đến với bạn bè năm châu. 

Đọc thêm