'Người thanh tiếng nói cũng thanh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội ngày nay phần nào mang tiếng bởi những “bún mắng”, “cháo chửi”, những thực dụng, điêu ngoa. Nhưng những người yêu Hà Nội luôn biết, có một Hà Nội khác, rất đỗi dịu dàng. Vẫn còn đó, những con người giữ trọn nếp xưa, gìn giữ một Hà Nội hào hoa thanh lịch.
Cốt cách thanh lịch của người Tràng An xưa vẫn còn chảy trong mỗi con người Hà Nội hôm nay. (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)
Cốt cách thanh lịch của người Tràng An xưa vẫn còn chảy trong mỗi con người Hà Nội hôm nay. (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)

Mỗi năm, dầu bận thế nào, tôi cũng phải sắp xếp cho mình một quãng thời gian nho nhỏ để nghỉ ngơi ở Hà Nội. Ngày trước, sẽ là đi thăm thú khắp nơi, nào làng gốm Bát Tràng, nào làng cổ Đường Lâm, làng hoa Quảng Bá... Còn giờ đây, sau khi đã trở nên thân thiết với Hà Nội, những điểm tham quan không còn làm tôi háo hức. Tình yêu với Hà Nội, đơn giản là yêu những góc phố nhỏ, những hàng cây râm mát, những món ăn ngon, nhịp sống Hà Nội sâu lắng trong sự ồn ào. Và những người Hà Nội có chua ngoa, có hiền lành, nhưng đa số với tôi, rất nghĩa tình và thanh lịch.

Tôi thường ở trong phố cổ, sáng sớm sẽ đi dạo bộ một vòng, thưởng thức những đặc sản Hà Nội, như mua một túi bánh rán cổ truyền hơn 30 năm ở đường Lương Ngọc Quyến nhấm nháp cái vị bánh ngọt thơm mật mía, vỏ giòn tan, hoặc ghé lề đường Nguyễn Hữu Huân thưởng thức một bát cháo đậu cà nóng hổi, rồi lại một ly cà phê trứng trứ danh vị nguyên bản chỉ Hà Nội mới có.

Tôi ngồi ở các góc quán ấy, không chỉ thưởng thức những món ăn ngon đặc trưng của Hà Nội, mà đang thưởng thức phong vị của một Hà Nội giao thoa giữa xưa và nay. Hơn ba mươi năm, bà cụ chủ có lẽ đã bán bánh rán từ thuở thanh xuân cho đến con cháu đầy nhà, các con cháu của cụ cũng ít nhiều nối nghiệp cụ. Hơn 30 năm, không biết vị bánh rán ngày xưa thế nào, mà nay sao mà khiến lòng người thổn thức đến thế. Tôi ở trong Nam, bánh rán còn gọi là bánh cam, dần dà cũng chẳng mấy người còn bán, hương vị cũng “công nghiệp hóa” rồi. Thế mà chiếc bánh rán phố cổ, màu sắc, hương vị vẫn thật ngon, thật thanh. Và mặc dù những hàng dài người xếp hàng chờ mua, giá của mỗi chiếc bánh rán thơm lừng cũng chỉ có 3 nghìn đồng.

Tôi cũng thích ngồi ở hàng cháo lề đường Nguyễn Hữu Huân, không chỉ vì nó đặc sắc. Tôi quý bác chủ quán nơi ấy. Bán một bát cháo rất rẻ, chỉ 12 nghìn đồng, đủ no bụng cho cả một buổi sáng, không bao giờ cằn nhằn khi khách (như tôi) ăn rất nhiều cà muối. Chiếc quán nhỏ ấy du khách chẳng ai để ý, nhưng sáng nào cũng rất đông, bởi dường như cả xóm tập trung nơi ấy, ngoài ăn sáng ra còn để nói đủ chuyện đông - tây kim cổ, một kiểu họp tổ dân phố buổi sáng của các cô bác hưu trí.

Từng đi Hà Nội quá nhiều lần, tôi cũng từng chứng kiến đủ loại tính cách Hà Nội. Có người nói thách tận trời khi phát hiện khách là người miền Nam, có người chạy hẳn ra đường chèo kéo khách vào, cũng có người khách không mua hàng thì lẩm bẩm chửi với theo. Nhưng tôi cũng đã gặp rất nhiều người cho tôi hiểu thế nào là người Tràng An thanh lịch. Những hiệu cà phê nho nhỏ, một quán bia hơi cổ, những quán ăn xưa..., tôi nhận ra rằng đã số các nơi ấy dẫu rất đông khách, dẫu người bán nhanh tay lẹ mắt, những lời ăn, tiếng nói vẫn đằm thắm, nhẹ nhàng, chứ không chuộng cái ồn ào, la mắng xô bồ.

Tôi đã từng trò chuyện nhiều với những cô, những chị, những chú bán hàng hay hưu trí trong phố cổ. Họ làm tôi ngạc nhiên bởi cái cách ăn nói nhẹ nhàng mà đầy tình cảm, cách họ vẫn ăn mặc rất chỉn chu, chân mang giày ngay cả khi đang tất bật buôn bán hay chỉ ngồi vỉa hè bên ly nước vối, chuyện vãn với nhau. Tôi cũng từng gặp một bác gái sống gần phủ Tây hồ, giáo viên hưu trí, giảng cho tôi nghe nhiều điều về nét thanh lịch của người Hà Nội. Bác kể rằng ngày xưa cụ thân sinh nhà bác, một tiểu thư khuê các đúng chất Hà Thành đã dạy bác rất nhiều về công dung ngôn hạnh, về cách ăn mặc, đi đứng, chuyện trò. Câu nói mà cụ thân sinh bác thường nói là “Người thanh tiếng nói cũng thanh”. Cụ bảo, người Tràng An xưa nổi danh là thanh lịch, nếu con cháu mà không được dạy dỗ cẩn thận, thì cái thanh lịch ấy sẽ bị mài mòn theo thời gian, mất đi cái chất Hà Nội không trộn lẫn vào đâu được. Cụ bảo, người Hà Nội phải biết ăn theo thuở, ở theo thời, cái cách đi đứng phải nhẹ nhàng, thư thái, cách ăn nói phải luôn dịu dàng, hòa nhã, tình cảm. Như thế mới là cốt cách người Thủ đô.

Mẹ tôi xuất thân từ một tỉnh phía Bắc. Mẹ kể rằng, ngày mới lớn, có dịp được ra Hà Nội, trầm trồ trước những quý ông, thiếu nữ Hà Nội ăn mặc trang nhã, nói năng dịu dàng hòa ái, về nhà mẹ cứ muốn học hỏi. Mẹ tôi bảo, các cô gái trong làng ngày xưa cũng hay lấy “con gái Hà Nội” làm cái chuẩn trong cách ăn mặc, nói năng, ai mà được ví giống “người Hà Nội” là vui lắm.

Chuyện của các cụ xưa, đến nay đã phai mờ đi nhiều theo năm tháng. Nhưng tôi nghĩ, cái cốt cách thanh lịch của người Tràng An xưa vẫn còn chảy trong mỗi con người Hà Nội hôm nay. Đôi khi cơm áo gạo tiền, đôi khi bao gian khó của cuộc sống thị thành, cơ chế thị trường khắc nghiệt có thể làm người ta trở nên xù xì hơn, gắt gỏng hơn. Nhưng những điều đã thuộc về văn hóa, máu thịt thì khó mà mất đi được. Quan trọng là mỗi một người Hà Nội cần nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa ứng xử, cũng như cơ quan quản lý làm thế nào để hạn chế những hành vi xô bồ, chụp giật, làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của nguời Hà Nội.

Lớp trẻ giờ đây cũng bắt đầu có ý thức hơn trong việc gìn giữ, phát huy những cái hay, cái đẹp của cha ông xưa. Điều quan trọng còn lại, là làm thế nào để các thế hệ có thể kết nối với nhau, để thế hệ đi trước có thể truyền dạy lại những tinh hoa cho thế hệ sau.

Có như thế, mới gìn giữ được một Hà Nội thanh lịch, từng khiến bao vùng đất khác hướng về, yêu mến, trân trọng...

Đọc thêm