Người 'thổi hồn' vào cây cảnh ở Tây Nguyên

(PLVN) - Những cây sù sì thô ráp tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của ông Nguyễn Tấn Sanh - Chủ nhiệm CLB Nhà vườn sinh vật cảnh Đắk Lắk đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chạm tới trái tim của bao người đam mê sinh vật cảnh. Trong đó, có cây khế 19 thân được trả với giá 300 triệu đồng nhưng ông chưa chịu bán...

Sinh ra ở vùng đất võ Bình Định, sau này lớn lên và lập nghiệp ở Buôn Mê Thuộc, với lòng đam mê, yêu thích cây cảnh “thấm vào máu”, từ năm 20 tuổi, ông Sanh bắt đầu gắn bó với nghề trồng cây cảnh.

Không có trường lớp đào tạo về chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh, ông Sanh chủ yếu tự tìm hiểu, nghiên cứu, tự sáng tạo ra các dáng, thế mà mình yêu thích; ngoài ra, ông thường xuyên giao lưu, học hỏi, tham khảo những nhà vườn nổi tiếng ở khắp các vùng miền, ở sách, báo chuyên về cây cảnh để nâng cao kiến thức, tay nghề.

Ông Sanh cho biết, chơi cây cảnh mình phải có nhiệt huyết với chúng. Mua cây về, mình phải “thổi hồn” vào cây để tạo thành tác phẩm, như vậy mới khiến người chơi cây mê mẩn, thích thú dáng cây. Cây phải toát ra thần thái mới gọi là nghệ thuật.

 Ông Sanh còn là sở hữu nhiều cây bonsai đẹp với giá trị rất cao.

Ông Sanh thường chọn tùng la hán để sáng tác vì các cây này có sức sống bền bỉ, lá nhỏ, tạo hình đẹp và dễ uốn cành.

Mỗi cây có thế dáng khác nhau, lúc đầu chỉ là cây thô chưa rõ nét, ông Sanh tỉ mỉ quan sát các yếu tố về rễ, thân, cành, lá... uốn sửa, cắt tỉa, tạo hình để đưa vào một thế, dáng đẹp. Cây tự nhiên có đẹp đến mấy nhưng nếu không cắt tỉa, tạo dáng cân đối giữa chiều cao, chiều rộng thì sẽ không thể tôn thêm vẻ đẹp, không thể trở thành một tác phẩm quý. Thời gian tạo dáng, uốn sửa cây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi nghệ nhân phải có lòng đam mê và sự kiên trì.

Ông Sanh chia sẻ: Khi mới bắt cây vào thế là giai đoạn vất vả nhất, phải sử dụng dây nhôm uốn cành, vài tháng lại dỡ ra uốn lại, bàn tay thợ uốn cây cũng phải khỏe mới đủ sức uốn. Để thân, cành cây mềm dễ uốn, không bị giòn, gãy cành, ông Sanh uốn khi trời nắng nóng nên công việc này khá vất vả. Cây cảnh cũng tương tự như đồ cổ, cây càng cao tuổi, càng có giá trị cao.

Có nhiều cây, vì đam mê không nỡ bán, ông Sanh đã gắn bó, chăm chút như những người bạn quý suốt hàng chục năm qua.

Cây khế 19 thân nhưng chỉ có 1 gốc, có người trả giá 300 triệu nhưng ông Sanh vẫn chưa chịu bán

Trong vườn cây cảnh của ông Sanh có hàng trăm tác phẩm, nhưng có lẽ ấn tưởng nhất là cây khế “khủng” 19 thân cực kì hiếm mà khách trả 300 triệu đồng nhưng ông Sanh chưa bán.

Nói cây khế 19 thân này, ông Sanh chia sẻ, các cầu nối rễ của cây dính liền nhau, chứng tỏ nó không phải là cây ghép. Thân của cây dài và thẳng, sinh trưởng tự nhiên, đồng đều nên rất hiểm gặp.

“Tôi mua cây khế này của một người bạn ở huyện Krông Năng cách đây hơn 1 năm, với giá trên 140 triệu đồng. Đây là cây khế tôi vô cùng ưng ý, từ gốc khế có thể đoán tuổi đời của cây phải trên 40 năm. Khi tôi mang trưng bày đã có một người ở tỉnh Đắk Nông trả giá 300 triệu đồng nhưng tôi vẫn chưa bán”, ông Sanh nói.

Gần 30 năm gắn bó với nghề, ông Sanh đã tạo ra hàng trăm cây cảnh cũng là hàng trăm tác phẩm nghệ thuật từ cây, theo người đam mê cây cảnh đi khắp miền đất nước.

Về giá cây cảnh nghệ thuật, ông Sanh cho biết, cây cảnh không có giá cụ thể, có thể vài chục triệu đồng, vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đối với những người am hiểu cây cảnh nghệ thuật và có điều kiện kinh tế, khi đã ưng thì giá nào cũng mua. Có người mua nhưng không phải ai cũng nhận ra và hiểu hết giá trị của cây.

Hiện trong vườn nhà ông Sanh còn gần 100 cây sanh nghệ thuật, nhiều khách đã trả giá hàng chục triệu đồng/cây đến hàng trăm triệu đồng/cây nhưng ông Sanh vẫn muốn giữ cây lại bên mình thêm thời gian nữa.

Đọc thêm