Nguồn nhân lực chất lượng cao: Lợi thế để thu hút đầu tư vào Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh Hòa Bình được đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới, Hòa Bình cần nhanh chóng xây dựng nguồn nhân lực có tay nghề, có kiến thức chuyên môn sâu rộng để giữ chân các nhà đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh Hòa Bình có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng
Tỉnh Hòa Bình có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng

Nguồn nhân lực thấp là rào cản thu hút đầu tư

Thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề là 1 trong những rào cản, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công nghệ mới liên tục ra đời, đòi hỏi người lao động phải mở rộng kiến thức nghề nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kỹ năng giao tiếp, kỷ luật lao động.

Hiện tỉnh Hòa Bình có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng (CĐ), 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo. Trung bình hàng năm có trên 14.000 người được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 ước đạt 56% (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,64%).

Tuy nhiên, nhiều trường CĐ trên địa bàn tỉnh lại đang gặp khó trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo. Cụ thể, trường như CĐ Sư phạm Hòa Bình, 5 năm trở lại đây chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đạt dưới 50%. Đối với trường CĐ Nghề, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, hình thức đào tạo chủ yếu là liên kết và đào tạo hệ trung cấp nghề.

Theo số liệu của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hòa Bình: Tính đến năm 2020, các doanh nghiệp tại 5 KCN trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 19 nghìn lao động. Trong đó, trình độ đại học trở lên có 1.064 lao động, trình độ CĐ 1.083 lao động, trình độ trung cấp 1.218 lao động, dạy nghề thường xuyên hơn 2.000 lao động, còn lại hơn 11 nghìn lao động phổ thông.

Trong khi nguồn nhân lực đào tạo tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thì công tác thu hút, đãi ngộ tài năng chưa thực sự hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhân lực chất lượng cao tại tỉnh đã hiếm lại còn bị "chảy máu", do người lao động không mặn mà cống hiến cho quê hương.

Đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi đặt chân đến Hòa Bình.

Phát triển nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Với nhiều lợi thế như an ninh ổn định, giá nhân công thấp, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Với tỉnh Hòa Bình có vị trí thuận lợi, tài nguyên khoáng sản dồi dào, đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới, do đó người lao động trong tỉnh cũng đang đứng trước nhiều cơ hội việc làm. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực xây dựng phát triển nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là lợi thế để Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Nguồn nhân lực chất lượng cao là lợi thế để Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Cụ thể, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 xác định mục tiêu cụ thể là tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Trong đó, tập trung dạy nghề chất lượng cao, đột phá vào các ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Tiếp tục huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao tại các doanh nghiệp tham gia hướng dẫn đào tạo nghề. Gắn đào tạo với nhu cầu sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tư vấn hoạch định, tổ chức triển khai, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội trọng yếu.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi tỉnh Hòa Bình phải có một chiến lược dài hơi, vừa quan tâm đầu tư nguồn nhân lực trực tiếp, vừa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trước tiên, với nguồn nhân lực trực tiếp cần dồn lực đầu tư, xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Đẩy mạnh phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhằm phát huy hết năng lực của trường nghề, vừa đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Về lâu dài, muốn có nguồn nhân lực tốt cần làm tốt khâu hướng nghiệp đối với học sinh. Ngay từ học sinh THCS, THPT cần làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, có đầu tư, đào tạo cho học sinh theo hướng "trồng người", vừa phát triển kiến thức, năng lực, vừa có sức khỏe, nhiệt huyết trong công việc. Giúp lao động tiếp cận được thị trường lao động quốc tế.

Ông Lưu Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đề xuất: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề. Quan trọng hơn cần định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới, mở rộng hình thức đào tạo nghề, và trong khi nhiều cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được đào tạo tay nghề cao, có thể khuyến khích nhân rộng mô hình doanh nghiệp thành lập trung tâm đào tạo tại chỗ, nhận sinh viên về đào tạo và thực tập. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động”.

Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chỉ đạo việc thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Nhờ vậy, đánh giá kết quả Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh luôn cao hơn trung vị cả nước. Năm 2020 xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các doanh nghiệp đã đánh giá lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của mình.

Lao động tại tỉnh Hòa Bình cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Lao động tại tỉnh Hòa Bình cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình cho biết: “Cho đến nay, lao động tại tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từng năm và đảm bảo chất lượng hơn, năm 2020 đạt 56% (năm 2019 là 54%). Ngành LĐTB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục dạy nghề qua các kênh ngày hội việc làm, sàn giao dịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”.

Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư mới đến với Hòa Bình, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất lao động và đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Đọc thêm