Từ cò súng đến cây bút và rồi máy ảnh
Vào năm 1977, chàng trai trẻ Đoàn Hoài Trung chưa đầy 18 tuổi đã rời quê nhà Phú Yên để nhập ngũ khi trúng tuyển Đại học Kỹ thuật quân sự và được cử đi đào tạo về Điện tử hàng không ở Học viện Quân sự VAAZ (Brno, Tiệp Khắc cũ). Trở về nước vào năm 1984 với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, Trung úy Đoàn Hoài Trung được phân công về Tiểu đoàn thông tin ra đa - Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) và đảm nhiệm các vị trí từ trung đội trưởng đến đại đội phó, trợ lý Ban thông tin Sư đoàn.
Nhưng cuộc đời binh nghiệp của sĩ quan Hoài Trung không chỉ gắn với vũ khí khí tài như vậy. Có lẽ do sinh ra tại vùng quê xinh đẹp với “hoa vàng trên cỏ xanh” nên ông đã sớm có đam mê nghệ thuật bắt đầu từ văn chương với các tác phẩm tập Thơ tình người lính, tiểu thuyết Hoa tuyết, truyện ký Tình yêu người lính… Sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam, ông được điều chuyển sang công tác tại văn phòng đại điện phía Nam của Báo Phòng không - Không quân từ năm 2002. Một chương mới trong sự nghiệp của ông đã được mở ra với nghề làm báo, song hành với sự nghiệp văn chương để tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng với các tác phẩm như tiểu thuyết Ngọt ngào vị đắng (Giải thưởng NXB Thanh niên), truyện ký Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội (Giải thưởng cấp nhà nước), Về Cội nguồn Quân đội nhân dân Việt Nam (Giải thưởng của Bộ Quốc phòng),…
Trong năm 2004, nhà báo Hoài Trung có loạt ký sự đầy ý nghĩa về kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên báo Quân đội nhân dân. Vì vậy từ tháng 10/2005, ông được điều chuyển về văn phòng đại diện phía Nam của Báo Quân đội nhân dân. Đến tháng 5/2011, ông được bổ nhiệm Trưởng cơ quan đại diện Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại TP Hồ Chí Minh. Trong nghề làm báo lại mở ra cho ông một sự nghiệp sáng tạo mới về nhiếp ảnh với tác phẩm tiêu biểu đầu tiên là sách ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tôi đã được Giải thưởng của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2013) mà ông đã là thành viên từ năm 2011.
Tin vui mới nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đoàn Hoài Trung là ngay đầu năm 2022 ông đã công nhận là thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế với tước hiệu AFIAP.
Mối duyên tình với Trường Sa và DK1 suốt 17 năm qua
Trong cuộc đời của mỗi người Việt Nam, chỉ cần một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa luôn là niềm mơ ước và tự hào cao quý trong sự nghiệp. Vậy mà nhà báo Đoàn Hoài Trung lại có được vinh dự 5 lần đi tác nghiệp tại Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ năm 2005-2022.
Năm 2005 khi đang công tác tại Báo Phòng không - Không quân, ông đã có cơ hội được đi tác nghiệp bằng máy bay đến quần đảo Trường Sa và các Nhà giàn DK1. Vào các năm 2007 và 2009, ông đã có thêm 2 chuyến trở lại vùng biển thềm lục phía Nam với vai trò phóng viên của Báo Quân đội nhân dân. Vào năm 2014, ông được vinh dự là nhà báo duy nhất được đi cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh đến thăm đảo Trường Sa.
Trong 17 năm qua, nhà báo Đoàn Hoài Trung đã mamg tất cả những khả năng sáng tạo của mình để dành cho Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những bức ảnh tiêu biểu của ông về người chiến sĩ Trường Sa bên cột mốc chủ quyền từ năm 2005 đã được sử dụng rộng rãi ở khắp trong và ngoài nước.
Năm 2007, ông đã ghi dấu ấn bằng phóng sự “Hai cha con cùng bảo vệ pháo đài thép trên biển Đông” về hai cha con Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) cùng với hai bài thơ nổi tiếng. Bài thơ Nỗi lòng gửi anh là tác phẩm về tâm sự của người vợ lính hải quân hướng về chồng sau 3 năm phục vụ liên tục trên Nhà giàn DK1 mà chưa thể một lần về thăm gia đình. Còn bài thơ “Nếu em không yêu lính hải quân” là nói thay lời của người lính hải quân gửi người yêu đang ở đất liền.
Từ chuyến công tác năm 2009, ông đã thực hiện loạt bài đặc biệt mang tên Lời thề giữ biển nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) trên thềm lục địa phía Nam góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Đoàn Hoài Trung lại may mắn được lần thứ 5 đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng với Đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh vào tháng 5/2022. Trong chuyến công tác này, NSNA Đoàn Hoài Trung đã có dịp tái ngộ sau 15 năm với Chuẩn đốc đốc Lương Việt Hùng (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam). Cảm xúc dâng trào của lần trở lại sau 8 năm đã thôi thúc ông ra mắt cuốn sách ảnh và triển lãm ảnh về vùng biển đảo này mang tên Trường Sa - Nhà giàn qua ống kính nhiếp ảnh.
Triển lãm trưng bày 125 bức ảnh (từ năm 2005-2022) nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng là sự ghi nhận 20 năm làm báo và hơn 40 năm trong quân ngũ của Đại tá - NSNA Đoàn Hoài Trung. Còn cuốn sách ảnh cùng tên gồm 180 trang với hơn 200 bức ảnh. Những bức ảnh này là những lời kể sinh động, chân thực, giàu cảm xúc về cuộc sống của các đồng bào và chiến sĩ, cũng giống như những thước phim theo dòng thời gian suốt 17 năm qua về quần Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đây cũng là điều đặc biệt mà chưa mấy ai có thể thực hiện được như NSNS Đoàn Hoài Trung.
Người lính đa tài và niềm đam mê nghệ thuật không ngừng nghỉ
Nhiều người đã từng nghĩ về người lính là khô khan. Nhưng sự nghiệp nghệ thuật của Đại tá Đoàn Hoài Trung bắt đầu từ văn chương bằng các thể loại tác phẩm từ truyện ngắn, truyện ký tới tiểu thuyết và thơ với gần 20 tác phẩm văn học từ năm 2000 đến nay. Không khó để nhận ra chất lính đậm nét trong văn phong của ông nhưng vẫn có sức truyền cảm và lan tỏa mạnh mẽ. Vì thế, hai bài thơ Nỗi lòng gửi anh và Nếu em không yêu lính hải quân của ông được nhạc sĩ Quỳnh Hợp chuyển thể thành những ca khúc nổi tiếng về biển đảo thu hút nhiều thế hệ công chúng khán giả cùng yêu thích.
Chất văn học đã tác động hiệu quả đến các bài báo, ký sự và phóng sự của Đoàn Hoài Trung. Từ chủ đề chính luận, quân sự đến thời sự và cuộc sống, sức truyền cảm nội dung của ông tới độc giả luôn rất ấn tượng. Vì vậy, ông không gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ báo viết sang báo hình (nhiếp ảnh, video, truyền hình).
Ngôn ngữ hình ảnh trong nhiếp ảnh của Đoàn Hoài Trung rất chỉnh chu, chuyên nghiệp như người lính nhưng cũng rất sắc sảo, ấn tượng trong từng khoảnh khắc. Đặc biệt trong những bức ảnh về Trường Sa và Nhà giàn DK1 của NSNA Đoàn Hoài Trung có sự hòa trộn giữa phong cách ảnh báo chí với nghệ thuật. Tất cả đều được biển hiện rõ nét trong bộ ảnh triển lãm “Trường Sa - Nhà giàn qua ống kính nhiếp ảnh” vừa công bố của ông.
Nói đến người lính và nhất là người lính làm nghệ thuật thì không thể không nói đến hậu phương của họ. Cậu chuyện về gia đình của Đại tá - nghệ sĩ Đoàn Hoài Trung cũng như vậy.
Người vợ của ông là bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - nguyên Thượng uý Quân y, Bộ Công an đã chuyển ngành từ năm 1989 để chăm lo hậu phương vững chắc cho chồng với đặc thù công việc thường xuyên đi công tác xa nhà. Cũng như chồng mình, bà Vân Anh có niềm đam mệ nghệ thuật mãnh liệt về các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, thời trang.
Sau khi nghỉ hưu năm 2017, bà trở thành chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca múa nhạc dân tộc - Thời trang xưa và nay của Trung tâm văn hóa quận 1 (TP Hồ Chí Minh) như một sân chơi nghệ thuật cho cộng đồng. Trong những năm gần đây, bà đã nhận được các danh hiệu như Á hậu thời trang tuổi 40 (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2018), Hoa hậu Quý bà duyên dáng Việt Nam (năm 2019),…
Hiện nay, NSNS Đoàn Hoài Trung vẫn tiếp tục bận rộn với sự nghiệp sáng tạo không ngừng nghỉ của mình trong cương vị Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông hãng phim Sao Nam Việt.
Trong cuộc sống ngày này thật hiếm có những cặp vợ chồng cùng làm nghệ thuật nghiêm túc, chỉnh chu và trong sáng đầy ý nghĩa như của hai nghệ sĩ Hoài Trung - Vân Anh.