Nhà có 4 người chia làm hai phe

(PLVN) - Xuất thân từ cô gái quê thuần phác, chị Tân lấy chồng người thành phố lại trong một gia đình gia giáo, nghiêm cẩn. Chị nhanh chóng hòa nhập vào nếp sống của gia đình ấy, ông bố chồng khó tính tỏ ra hài lòng với con dâu và bà mẹ chồng khoan hòa thì rất đồng cảm. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Sau khi bố mẹ chồng mất, cái gia đình nhỏ của vợ chồng chị vẫn giữa nếp cũ trong sinh hoạt, cư xử với nhau, những đứa con của anh chị ảnh hưởng sự giáo dục này mà ngoan ngoãn, lễ phép. Một gia đình ấm êm, hòa khí, tôn trọng nhau.

Thời gian gần đây, tự dưng chị Tân có những thay đổi từ từ nhưng triệt để. Bắt đầu từ những cái bát ăn cơm mỏng nhẹ được thay thế bằng những bát sứ Tàu to trắng và nặng nề. Bữa ăn truyền thống bị phá vỡ, không còn những món ăn tinh tế nữa mà là khá xô bồ với tô to, đĩa lớn. Chị bảo bọn trẻ đang sức ăn cần phải như thế.

Khi trước, bữa ăn phải đông đủ mọi người, vào bàn ăn là không đứng lên, ngồi xuống, giờ thì ai có việc cần cứ ăn trước, hoặc sau, vội thì có thể đứng ăn. Tiếp sau là ăn mặc, phụ nữ cứ quần đùi, áo lót thoải mái, điều chưa từng có khi bố mẹ chồng còn sống.

Vật dụng truyền thống trong nhà cũng thay đổi, bàn trà cổ với nhưng tách trà nhỏ xíu được thay thế bằng salon, bộ pha trà mới. Điều bất ngờ với anh Lục, chồng chị là những “lập ngôn” của chị: “Giờ phải sống cho mình”, “Việc gì phải nhẫn nhịn”, “Sống được mấy nỗi mà cứ phải gò bó cho mệt người”.

Đứa con gái 15 tuổi thích thú với những thay đổi “cách tân”, “hợp thời” của mẹ, nó nhuộm tóc, ăn mặc te tua, phát ngôn bạo dạn. Anh Lục nhắc nhở con thì nó bảo: “Bố cổ hủ vừa thôi!”.

Tự dưng, nhà có 4 người lại chia làm hai phe. Anh Lục và thằng con trai trở nên nhẫn nhịn chịu đựng, còn mẹ và con gái lại ra sức khẳng định quyền “bình đẳng” và thể hiện “cái tôi” của mình.

Anh Lục tự vấn mình, làm sao lại xảy ra cơ sự này, mình có làm gì để vợ “nổi loạn” không? Không, chỉ có thể giải thích được rằng chị phải chịu sự gò bó quá lâu trong gia phong nhà chồng, bây giờ được “giải phóng” ra khỏi tình trạng đó lại ở vào độ tuổi bốn mươi “chênh vênh” thì “cái tôi” trỗi dậy cùng với sự tác động của môi trường xã hội mà thôi.

Anh thấy mình có lỗi trong việc quá thụ động, ỷ lại bố mẹ trong việc duy trì nền nếp, gia phong, vợ anh cũng như các con anh đều do bố mẹ anh dạy bảo và khi các cụ không còn thì anh không kế tục được.

Những thay đổi của chị Tân có thể không làm cuộc hôn nhân tan vỡ nhưng chắc hẳn sự ấm êm và nền nếp không còn. Chị có nhìn lại mình không, khi đứa con trai điềm tĩnh bảo mẹ: “Mẹ đừng làm hư em nữa!”. 

Đọc thêm