Nhà Nhiếp ảnh Thomas Billhardt được trao giải Giải Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -   Tôi cũng như bạn bè tôi ở Đức và Việt Nam - những người quen biết và yêu mến nhà nhiếp ảnh Thomas Billhardt thực sự vui mừng khi biết tin cuốn sách ảnh “ Hà Nội 1967 - 1975 ” của ông được trao Giải Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021.

Trong niềm vui này, tôi lại nhớ tới ông - một nhà nhiếp ảnh tài năng, xông xáo, vô cùng cởi mở và thân thiện, đã gắn bó với Việt Nam trong suốt 10 năm trời có chiến tranh và hàng thập kỷ sau đó. Bộ ảnh của ông về Hà Nội nói riêng, về Việt Nam nói chung, đã từ lâu được đánh giá là một sự kiện văn hóa - nghệ thuật xuất sắc, không những ở Đức, ở Việt Nam mà cả ở nhiều nước trên thế giới.

Với Giải Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội, tác phẩm của ông thêm một lần được tôn vinh, được mãi mãi lưu giữ trong những trái tim sống “vì tình yêu Hà Nội”. Giải thưởng này cũng làm dày thêm, đậm nét thêm những trang sử nhiếp ảnh rất vẻ vang của ba thế hệ trong gia đình ông - từ bà mẹ ông, tên là Maria - Schmidt - Billhardt, từng được đánh giá là nhà nhiếp ảnh hàng đầu trên lĩnh vực chân dung ở Đức, được mệnh danh là “đứa con của thế kỷ 20”, đến ông, rồi con trai ông - Steffen Billhardt, hiện đang sống ở Mỹ, cũng là một trong những nhà nhiếp ảnh “ăn khách” của các hãng quảng cáo tư nhân ở New York và Miami: Giáo sư Klaus Honnef, Giám đốc Bảo tàng Bonn, đánh giá: “Đó là một gia đình hiếm hoi trong thế kỷ nhiếp ảnh của Đức. Ba thế hệ, ba tiếng nói nhiếp ảnh khác nhau, nhưng về phong cách, về ý tưởng, có một điều chung nhất, đó là sự cảm thông đối với những số phận của con người”.

Đã từ lâu, đối với nhiều người Việt Nam, Thomas Billhardt là một tên tuổi quen thuộc. Riêng giới nhiếp ảnh được biết ông như một chiến hữu thân thiết, là gương mặt tiêu biểu nhất trong các đồng nghiệp Đức đã từng sát cánh với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cho đến tháng 10 năm 1972, ông - với chiếc máy ảnh trong tay - đã sang Việt Nam 5 lần và mỗi lần dài đến hàng tháng trời. Tổng cộng lại, Thomas Billhardt có hàng năm dài đồng cam cộng khổ dưới làn bom đạn cùng quân và dân ta bằng trái tim của một chiến sĩ quốc tế, ghi lại hàng trăm, hàng ngàn sự kiện; nổi bật lên là những gương mặt của con người Việt Nam trong chiến đấu, để giới thiệu cùng bầu bạn trên khắp năm châu.

Là cộng tác viên có uy tín của các tạp chí lớn trên thế giới như: Ogonisk, Life, Paris Match, Time, Stern (Ngôi sao), Spiegel (Tấm gương), ông có điều kiện công bố nhanh nhạy nhất và rộng rãi nhất các tác phẩm chân thực, giàu sức sống của mình. Các tác phẩm đó được tổ chức trưng bày trên hầu khắp các châu lục, từ Berlin đến Tokyo, từ Cairo đến Nam Mỹ, gây xúc động mạnh mẽ trong công chúng, giúp họ hiểu đầy đủ hơn về tinh thần quả cảm, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc ta.

Người ta nói, ảnh của ông là thứ vũ khí tầm xa có hiệu lực, góp phần vào phong trào đoàn kết và ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Qua ảnh của ông, người ta không chỉ thấy những cảnh tàn phá ác liệt mà kẻ thù gây ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Phủ Lý, Quảng Ninh, Quảng Bình…mà đồng thời cảm nhận sâu sắc nhịp sống lạc quan của con người Việt Nam trong chiến đấu, trong lao động, trong đời thường. Điều ấy thể hiện ở những đường phố đông đúc người đi bộ và xe đạp lúc tan tầm, những cửa hàng mở cửa giữa hai hồi còi báo động và cả những đám cưới giản dị mà ánh lên biết bao niềm hạnh phúc.

Bằng ống kính của mình và bằng cả tấm lòng yêu mến Việt Nam, nhà nhiếp ảnh xuất sắc này có mặt tại chỗ và chứng kiến đầy đủ những gì đã xảy ra ở Thủ đô Hà Nội, ở đất nước Việt Nam. Ông từng nói: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, vì Việt Nam là đỉnh cao của nghệ thuật”. Và bằng chứng của đỉnh cao đó chính là 2 cuốn sách ảnh: Việt Nam - khát vọng hòa bìnhNhững gương mặt Việt Nam. Ảnh là của ông, còn lời bình trong hai cuốn sách quí giá đó là của Eberhard Panitz, một trong những nhà văn xuất sắc nhất của Quân đội Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức. Hai tác phẩm nói trên ra đời vào dịp ký kết Hiệp định về hòa bình Việt Nam ở Paris với số lượng mỗi cuốn trên 15 nghìn bản, trong đó có trên 150 ảnh được chọn lọc về trẻ em, đất nước, lao động, phụ nữ, cuộc chiến đấu và khát vọng hòa bình.

Từ thời điểm ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam Thomas Billhardt còn tới Việt Nam ngót 10 lần nữa. Mỗi lần đi như vậy lại làm cho kho tàng ảnh của ông về Việt Nam giàu thêm, phong phú thêm. Vào đầu thế kỷ này, ông đã tổ chức trưng bày ảnh ngoài trời ở Hà Nội và cả trên đất Đức. Qua các cuộc trưng bày ấy, ông sung sướng gặp lại những người bạn cũ, những người đã được ông chụp từ ngót 30 năm trước.

Gần đây, Viện Goethe Hà Nội và Manzi Art Space lại có sáng kiến chọn lọc và tổ chức trưng bày trên 130 ảnh của Thomas Billhardt tại không gian triển lãm của Manzi ở phố Phan Huy Ích và Hàng Bún (Hà Nội). Qua lời kể của chị Vũ Ngọc Trâm, người trực tiếp thực hiện ý tưởng này, chúng ta lại được biết: trong một tháng rưỡi diễn ra triển lãm có tới hơn 200 ngàn người đến xem và nhiều người đã khóc vì tìm lại được những ký ức thương nhớ một thời kỳ đã sống. Có những người đã tìm được bạn hay nhìn thấy chính mình trong ảnh. Nếu biết được điều này, chắc chắn nhà nhiếp ảnh lại vô cùng xúc động và vui mừng như ngót 20 năm trước. Lần này không có mặt ông, nhưng với ảnh của mình, Thomas Billhardt một lần nữa làm chấn động bao nhiêu trái tim ở Hà Nội - nơi mà ông vẫn nói là “một cõi đi về”.

Trên cơ sở của triển lãm, một cuốn sách ảnh đã ra đời, có tên là Hà Nội 1967-1975. Cũng theo lời chị Trâm, cuốn sách chỉ tập trung vào đời sống chân thật nhất, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh qua con mắt của một nhiếp ảnh gia nước ngoài. Nhưng bức ảnh được chọn đều bỏ qua toàn bộ các yếu tố đau thương về chiến tranh, và đã tập trung vào 3 series chính gồm: một là series Hà Nội đời thường, hai là series trẻ em thời chiến, ba là series chụp lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.

Chắc chắn là cuốn sách đã đáp lại sự mong mỏi của những người Hà Nội và Việt Nam nói chung, cho nên chỉ trong vòng một vài ngày sau khi xuất bản, nó đã được bán hết.

Là một người quen biết của Thomas Billhardt và gia đình ông - một gia đình nhiếp ảnh vẻ vang - tôi trân trọng cảm ơn những người thực hiện chương trình giới thiệu bộ ảnh lần này của ông. Đó là một sự kiện rất đáng ghi nhớ, giúp cho mỗi người chúng ta càng thêm yêu, thêm quí Hà Nội, càng trân trọng đón nhận và giữ gìn nó như một bản biên niên bằng ảnh về Hà Nội thời chiến. Giải Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội dành cho Thomas Billhardt thể hiện tấm lòng tri ân của Hà Nội đối với ông và toàn gia đình ông. Từ Hà Nội, thủ đô yêu dấu của Việt Nam, xin gửi tới ông lời chúc mừng nồng nhiệt nhất !

Tháng 11- 2021

Đọc thêm