Tham dự lễ có ông Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; ông Nguyễn Vũ Thượng – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; TS. Claudia Surjadjaja – Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới (World Mosquito Program – WMP) khu vực châu Á, Thái Bình Dương; ông Nguyễn Ngọc Chơn – Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Tiền Giang; đại diện tổ chức Action On Poverty Việt Nam, tổ chức EarthCorps, các thành viên nhóm tham vấn cộng đồng trung tâm y tế.
|
Ông Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi lễ |
Lễ triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nằm trong khuôn khổ Dự án Wolbachia khu vực phía Nam, hướng tới giảm thiểu sự lây lan của sốt xuất huyết. Dự án này được Bộ Y tế phê duyệt và do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Chương trình Muỗi thế giới và tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Đây cũng là sự đánh dấu lần đầu tiên muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia được thả ở khu vực phía Nam – một trong những điểm nóng của dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh giới thiệu kế hoạch và cách thức thả muỗi vằn mang Wolbachia tại Tiền Giang |
Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 60% các loài côn trùng như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn. Vi khuẩn này không gây biến đổi gene muỗi, an toàn cho người, động vật và môi trường. Chương trình Muỗi Thế giới đã đưa ra phương pháp là đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn (Aedes aegypti), tác nhân lây truyền một số loại bệnh như sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya và sốt vàng da.
|
Phương pháp Wolbachia được triển khai sẽ mang lại triển vọng to lớn, giúp khống chế chủ động, lâu dài bệnh sốt xuất huyết và Zika |
Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng của dịch bệnh thông qua các “hộp thả muỗi” được treo trong khu vực dân cư, các điểm công cộng. Khi được thả, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giao phối với muỗi vằn tự nhiên tại địa phương. Qua quá trình “bất tương thích tế bào chất” sẽ giúp vi khuẩn Wolbachia nhân lên trong quần thể muỗi.
|
Trên 2.600 “hộp thả muỗi” được triển khai tại 8 phường (phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8) thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang |
Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều, từ đó sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn gây ra. Tại Tiền Giang, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ được thả trong khoảng 20 tuần với trên 2.600 “hộp thả muỗi” (mỗi hộp chứa khoảng 400 trứng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia) tại 8 phường trên địa bàn TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
|
Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương - TS. Claudia Surjadjaja hi vọng phương pháp Wolbachia sẽ được nhân rộng tại nhiều địa điểm khác nhau |
Theo TS. Claudia Surjadjaja - Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương, sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới có tốc độ lây lan nhanh nhất, với 40% dân số thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng. Sử dụng phương pháp Wolbachia là một phương pháp có hiệu quả trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết. Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương cũng hi vọng rằng phương pháp này sẽ ngày càng nhân rộng ở nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới, góp phần phòng sốt xuất huyết.
Một số hình ảnh khác tại lễ triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang:
|
Thành viên nhóm tham vấn thuyết trình về các bước thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia |
|
Mỗi "hộp thả muỗi" sẽ chứa khoảng 400 trứng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia |
|
TS. Claudia Surjadjaja chụp ảnh lưu niệm điểm thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại công viên đường Hoàng Sa (P. 4, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) |
|
Các thành viên Dự án Wolbachia chụp hình lưu niệm |
|
Lan tỏa biểu tượng Wolbachia |
Chương trình Muỗi thế giới, tên trước đây là Dự án loại bỏ sốt xuất huyết, là một tổ chức phi lợi nhuận do Đại học Monash của Úc thành lập với mục tiêu bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền. Với phương pháp Wolbachia, Chương trình Muỗi Thế giới đã triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại 11 quốc gia của 3 châu lục với tổng dân số hơn 8,5 triệu người và tổng diện tích bao phủ là 1.416km2.
Tại Việt Nam, phương pháp này đã được triển khai tại thành phố Nha Trang từ năm 2013 với sự đồng thuận lớn của cộng đồng người dân nơi đây. Để mở rộng dự án tại khu vực phía Nam, chương trình đã thực hiện lễ thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ngày 24/03/2022. Ngày 25/03/2022 Dự án Wolbachia tiếp tục thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.