Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, tiến tới sản xuất công nghệ cao mang tầm quốc tế, Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức Jica Nhật Bản vừa tổ chức hội thảo Kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam định hướng tương lai gần tại TP HCM.
Theo đại diện tỉnh Lâm Đồng, địa phương hiện có khoảng 10 DN Nhật Bản đầu tư vào với tổng vốn 36 triệu USD. Rau, hoa và cây ăn quả là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm để xuất khẩu, đặc biệt chú trọng sản xuất rau công nghệ cao.
Đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Trong điều kiện thực tế của Lâm Đồng, Nhật Bản quan tâm nhất là tổ chức sản xuất, làm thế nào quản lý an toàn về đất, nước, một trong hai điều kiện vì đất và nước bị ô nhiễm thì người Nhật rất quan tâm. Vì vậy các DN Nhật Bản đã đầu tư sản xuất với quy mô lớn, họ tiến hành sản xuất các vùng đất sạch, an toàn, sản xuất ra nông sản đạt chuẩn quốc tế cũng như tiêu chuẩn của thị trường Nhật”.
Theo Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT, đầu tư trực tiếp của DN Nhật vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn với 35 DN có tổng mức đầu tư khoảng 234 triệu USD, chiếm khoảng 4,2 % so với các lĩnh vực khác mà DN Nhật Bản đầu tư. Với yêu cầu ngày càng tăng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, Nhật Bản đang chuyển hướng mạnh mẽ vào đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam thay thế Trung Quốc.
Ông Nguyễn Anh Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Cơ hội hợp tác giữa 2 DN Việt Nam và Nhật Bản mà làm tốt thì DN Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ kinh nghiệm làm NN của DN Nhật, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm NN”.
Theo các tỉnh có kinh nghiệm trong việc hợp tác với DN Nhật Bản, các DN Việt Nam muốn làm ăn lâu dài với DN Nhật bản cần chia sẻ thông tin nền cụ thể của mình. Với diện tích đất NN còn nhỏ lẻ cần liên kết lại để hợp tác sản xuất, sẵn sàng học hỏi công nghệ, nâng cao trách nhiệm DN…
Tám dự án trọng điểm mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được phân bổ từ Bắc vào Nam. Khu vực miền núi Tây Bắc thì hướng dẫn kỹ thuật canh tác và quản lý nước hợp lý, cung cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; khu vực thủ đô Hà Nội tập trung cải thiện khâu lưu thông, chuỗi cung ứng lạnh; tỉnh Hà Nam thúc đẩy tập trung hóa đất NN, nâng cao năng suất các sản phẩm giá trị gia tăng; tỉnh Lâm Đồng phát triển chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm; tỉnh Bình Thuận là dự án phát triển thủy lợi tưới cho 10.500ha đất NN; khu vực ĐBSCL đặc biệt là Bến Tre và Cần Thơ sẽ tập trung vào biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực.