Nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh thiếu nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc số ca mắc tăng trong thời gian gần đây, cùng với việc các lực lượng chi viện dần rút quân phần nào đang gây áp lực cho hệ thống quản lý, chăm sóc, điều trị F0 của TP HCM.
Bệnh viện dã chiến số 3 ở TP HCM đang căng thẳng vì số lượng bệnh tăng ca
Bệnh viện dã chiến số 3 ở TP HCM đang căng thẳng vì số lượng bệnh tăng ca

Theo bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó Gám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Đa tầng Tân Bình, lượng bệnh nhân nhập về tăng lên từ giữa tháng 10 đến nay. Cao điểm nhất là 2 tuần qua. Mỗi ngày, bệnh viện đang nhận khoảng 70-100 ca COVID-19, trải đều ở 3 tầng (tầng nhẹ, trung bình và bệnh nặng). Đáng chú ý, riêng nhóm bệnh nhân nặng chiếm từ 10 đến 20 ca trong ngày. Giai đoạn đầu tháng 10, chỉ dưới 10 ca nặng/ngày.

Trong khi đó, Bệnh viện dã chiến số 3 ở TP HCM cũng đang căng thẳng vì số lượng bệnh tăng cao, tập trung vào nhóm bệnh nhân nặng, hồi sức. Theo bác sĩ CKII. Võ Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3, mỗi ngày, số F0 nhẹ xuất viện khoảng 50-60 ca, nhưng số hồi sức nhập vào luôn ở mức 10 ca.

Bác sĩ Hùng cho biết, bệnh viện được thiết kế với công suất khoảng 2.500 giường trong cao điểm dịch bệnh. Thời điểm này chỉ còn 400 ca COVID-19 nhưng có đến hơn 50 bệnh nhân nặng, hồi sức.

Việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân hồi sức rất khó khăn và đòi hỏi nhiều nhân lực. Đáng ngại nhất là tăng bệnh nặng, việc thiếu nhân lực cũng khiến điều trị hồi sức hiện rất khó khăn. Do đó, Bệnh viện dã chiến số 3 nhận bệnh nhân chủ yếu từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh hoặc địa bàn TP Thủ Đức chuyển về, khó có thể nhận thêm từ nơi khác.

Hiện Bệnh viện dã chiến số 3 đã đề xuất Sở Y tế TP HCM tăng cường nhân lực. Các tình nguyện viên đang tham gia tại đây, chủ yếu hỗ trợ nhập liệu và lấy mẫu, do đó không giảm được áp lực điều trị.

Thực tế hiện nay tại các bệnh viện 3 tầng và trung tâm hồi sức tuyến cuối (Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược...) đều xây dựng quy mô 150 giường hồi sức. So với công thức 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng/10 giường hồi sức, một số đơn vị chưa đủ nguồn nhân lực, ngành Y tế cần phải kịp thời bổ sung nhằm chăm sóc điều trị bệnh nhân được đảm bảo.

Để tăng biên chế chăm sóc điều trị ngăn giảm số ca tử vong, vừa qua ngành Y tế TP HCM triển khai phương án phải huy động thêm 390 nhân sự là bác sĩ, điều dưỡng từ 16 bệnh viện chi viện cho các bệnh viện dã chiến 3 tầng chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 có xu hướng gia tăng.

Cùng với đó là việc kích hoạt lại hàng loạt trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh, thiết lập các đường dây nóng tại cơ sở và tổ chức các đội ngũ tư vấn bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ xa..., ngành Y tế hy vọng từng bước ứng biến với tình hình dịch có thể còn gia tăng trong thời gian tới.

Đọc thêm