Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, thời gian qua, hoạt động của lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều biện pháp cương quyết được tổ chức thực hiện như: Truy quét lâm tặc, giải tỏa các tụ điểm phá rừng trái phép, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.
Điển hình trong giai đoạn 2015-2020, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý hơn 7.000 vụ vi phạm. Tổng số vụ đã xử lý 7.527 vụ, trong đó: Xử lý hành chính 7.427, xử lý hình sự 100 vụ/82 bị can. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được kiềm chế và giảm dần trong các năm.
Hàng loạt cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc và chuyển công tác
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 công chức xin từ chức, xuống chức. Ngoài ra, có 32 công chức bị xử lý kỷ luật, 26 tập thể và 77 cá nhân bị phê bình.
Hiện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 216 công chức, trong đó 30% công chức trên 50 tuổi, thiếu 111 công chức, tương đương mỗi Hạt Kiểm lâm huyện thiếu từ 8 đến 10 công chức so với nhu cầu thực tế quy định. Do đó, có những trường hợp 1 kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 đến 6 xã với diện tích hàng chục nghìn ha rừng.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên ra trường không muốn vào làm việc. Số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp tại Trường Đại học Tây nguyên rất ít, chỉ dưới 10 học viên một chuyên ngành.
Địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 501.206 ha đất có rừng, trong đó có 426.046 ha rừng tự nhiên, 75.160 ha rừng trồng; 232.423 ha đất chưa có rừng… Đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được giao cho 2 vườn quốc gia; 4 ban quản lý rừng đặc dụng; 3 ban quản lý rừng phòng hộ; 13 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 2 thành viên lâm nghiệp; 64 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; 5 đơn vị lực lượng vũ trang; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức khác quản lý với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 626.060,6ha, trong đó diện tích có rừng là 459.457,3ha, đất không có rừng là 166.603,3 ha.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao cho chủ rừng, hiện do UBND cấp xã, tổ chức khác quản lý là 107.568,6ha, trong đó diện tích có rừng là 50.316,4ha, đất không có rừng là 57.252,2ha.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk: Các chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và các đơn vị lực lượng vũ trang đang quản lý, bảo vệ rừng tương đối hiệu quả, diện tích rừng ít có biến động, suy giảm. Kết quả này là do cơ chế, chính sách chặt chẽ, kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước cơ bản bảo đảm, lương và chế độ cho người lao động tương đối ổn định.
Còn với các nhóm chủ rừng còn lại, công tác quản lý, bảo vệ rừng triển khai chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng. Do bị hạn chế trong xử lý vi phạm lâm luật, khi phát hiện sai phạm, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ngăn chặn, lập biên bản và báo cáo với cơ quan chức năng. Quyền hạn còn hạn chế, lực lượng mỏng, thu nhập chưa ổn định, không đáp ứng được cuộc sống nên chưa thật sự tạo lòng tin, trách nhiệm của người lao động đối với nhiệm vụ khó khăn phức tạp, có khi đối mặt với nguy hiểm tới tính mạng của người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Hơn nữa, các lực lượng như công an, kiểm lâm hay lực lượng của xã cũng chưa đủ lực lượng để thường xuyên hỗ trợ chủ rừng trong xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đất đai…
Áp lực giữ rừng
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt công chức kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xin nghỉ việc, xin chuyển công tác, xin nghỉ hưu trước tuổi và xin từ chức, xuống chức được lý giải là do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp; điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn; thu nhập thấp, trách nhiệm cao trong khi rừng vẫn tiếp tục bị suy giảm…
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương sớm xây dựng và ban hành “Cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; Cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần bảo đảm đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030. Đồng thời, sớm có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân lực cho ngành lâm nghiệp.
|
Nhiều cánh rừng vẫn bị tàn phá |
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, mặc dù lực lượng Kiểm lâm đã rất cố gắng nhưng cũng khó có thể đảm trách hết được diện tích được giao. Áp lực nghề nghiệp rất lớn, có thể chỉ lơ là một chút là mất rừng, phải chịu kiểm điểm, phải nhận trách nhiệm.
Hiện nay, lực lượng cán bộ kiểm lâm trên địa bàn còn rất thiếu. Một cán bộ kiểm lâm địa bàn có khi phải phụ trách đến vài ba xã, có những địa bàn một kiểm lâm phụ trách năm đến sáu xã. Số cán bộ xin nghỉ việc, chuyển việc thì liên tục xảy ra trong những năm vừa qua, trong khi đó việc tuyển dụng công chức kiểm lâm thì ‘mỏi mắt’ vẫn không tuyển dụng được.
Thời gian qua, nhiều cán bộ kiểm lâm xin không hoàn thành nhiệm vụ để được nghỉ việc. Mặc dù, lãnh đạo đã rất nhiều lần động viên anh em, và cố gắng dành một số phần quỹ nhỏ để hỗ trợ thêm cho những kiểm lâm địa bàn nhưng vẫn không giữ chân được họ.
Ông Hưng dẫn chứng, mới đây, có một giám đốc Ban quản lý bảo vệ rừng xin xuống làm Phó giám đốc, rồi một số cán bộ kiểm lâm đã bất ngờ xin không hoàn thành nhiệm vụ dù họ không có sai sót gì để được xin nghỉ việc. Việc cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc không chỉ một vài nơi, mà dàn trải hầu hết các địa bàn trên địa bàn tỉnh.
"Hiện, chúng tôi cần tuyển thêm 40 công chức kiểm lâm để đáp ứng phần nào trong công việc. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, dù đã hạ thấp các chỉ tiêu tuyển dụng nhưng vẫn không tìm được người", ông Hưng cho biết thêm.