Phải mua đất san lấp với giá cao
Đầu tiên phải kể đến dự án Khu dân cư Phố chợ Hoà Vinh, TX Đông Hoà khởi công xây dựng từ tháng 7/2019 trên diện tích hơn 12ha, với tổng vốn đầu tư 162,5 tỉ đồng, do Công ty CP đầu tư xây dựng 72 thực hiện. Dù đã hơn 1 năm triển khai, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thiện hạng mục san lấp mặt bằng, do nhà thầu không tìm ra nguồn đất.
Ông Trần Quốc Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng 72 phân trần: “Chúng tôi đã mua đất ngoài thị trường với giá cao hơn rất nhiều lần so với giá theo quy định của Nhà nước, nhưng vẫn không đủ khối lượng để san lấp mặt bằng, đảm bảo dự án đúng tiến độ đề ra”.
Tương tự, dự án Đường dẫn từ cầu Bến Lớn đến bãi rác và Cụm công nghiệp Nam Bình 1, phường Hoà Xuân Tây, TX Đông Hòa đã bàn giao mốc, mặt bằng để thi công, nhưng trong thời gian dài gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đất để san lấp mặt bằng. Để tháo gỡ vướng mắc này, đơn vị thi công kiến nghị chính quyền địa phương, các sở, ban ngành của tỉnh cho ký hợp đồng với hộ dân có rừng trồng sản xuất ở thôn Nam Bình 1 để cải tạo và tận thu đất, đá thừa trên diện tích hơn 13.000m2 phục vụ dự án trong năm 2019.
Tháng 10/2019, Sở TN-MT phối hợp với chính quyền TX Đông Hoà và các sở, ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra thực địa và thống nhất vị trí tận thu đất và đá thừa, nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn không thể tận thu nguồn đất này, vì đã hết thời gian theo quy định của UBND tỉnh (31/12/2019).
Không chỉ các dự án tại TX Đông Hòa, theo Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, hiện tất cả các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng thiếu đất để san lấp mặt bằng. Tại TP Tuy Hoà, có các dự án như dự án Nút giao thông khác mức đường số 2, Khu đô thị Nam Tuy Hoà - đường Nguyễn Văn Linh; đường Lý Thái Tổ, đường N3, Trường Chinh nối dài… cũng đang trong tình trạng trên.
Ông Đặng Khoa Đãm, Phó Giám đốc điều hành Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Uớc tính các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 đất để san lấp mặt bằng, tuy nhiên hiện nay việc tận thu đất tầng phủ dôi dư từ các mỏ khai thác đá chỉ khoảng 500.000m3. Điều này khiến đơn vị và các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án.
“Do thiếu đất để san lấp mặt bằng các dự án, nhiều nhà thầu phải tìm mua đất với giá 70.000 đồng/m3, cao hơn rất nhiều so với giá do Nhà nước quy định. Điều này khiến dự toán đầu tư các dự án bị đội giá lên cao”, ông Đặng Khoa Đãm thông tin.
Chờ đấu giá quyền khai thác 13 mỏ đất và cát
Về vấn đề trên, tại hội nghị bàn phương án cải tạo đất và thực trạng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tổ chức vào đầu tháng 4/2020, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến kết luận: Giao Sở TN-MT sớm tham mưu đề xuất bổ sung 7 điểm mỏ đất san lấp vào kế hoạch tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ngày 21/4, Sở TN-MT có Tờ trình 198, tham mưu UBND tỉnh vấn đề này.
Đầu tháng 7/2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại núi Cây Tra, thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa cho Tổng Công ty Thành Trung. Đơn vị được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản này đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm được khai thác, giải quyết nhu cầu đất san lấp mặt bằng các dự án.
Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1021, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2020, gồm 7 mỏ đất và 6 mỏ đá, trên diện tích hơn 141ha. Các mỏ đất và đá này tập trung tại các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân và TX Đông Hòa. Thời gian đấu giá năm 2020. Thế nhưng, đến nay việc đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản vẫn chưa thể triển khai, do phải chờ các địa phương lập phương án bồi thường hoa màu, giá trị đất.