Tại Quảng Nam:
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày cộng với việc hồ Phú Ninh xả nước, hồ thủy điện xả lũ khiến các tuyến đường, khu dân cư ở tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu. Từ đêm 23 đến ngày 24/10, Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán, di dời hàng ngàn hộ dân.
|
Các khu dân cư tại TP. Tam Kỳ ngập sâu trong nước |
Mưa lũ cũng làm cho giao thông qua địa phương bị tê liệt hoàn toàn.
Cụ thể, từ sáng sớm 24/10, 251 hành khách trên chuyến tàu SE7 từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh đến ga Tam Kỳ không thể tiếp tục hành trình do đường bị ngập, hư hại.
Theo thông tin từ Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng, có tổng cộng 251 hành khách trên tàu SE7 được hỗ trợ trung chuyển bằng 10 xe ô tô, đi theo đường cao tốc để vào Quảng Ngãi và tiếp tục hành trình. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ đón hành khách từ phía ga Quảng Ngãi ra lại ga Tam Kỳ để trở ngược ra Bắc.
|
Hành khách đi tàu Bắc Nam bị mắc kẹt tại ga Tam Kỳ |
Sau khi nhận thông báo của ngành đường sắt về sự cố gián đoạn vận tải, Đội cảnh sát giao thông số 1 (thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh) cũng đã nhanh chóng triển khai lực lượng ứng trực tại ga Tam Kỳ để hỗ trợ. Hiện, Đội cảnh sát giao thông số 1, cảnh sát giao thông đã nhanh chóng tổ chức lực lượng phối hợp, cùng ngành đường sắt hỗ trợ đưa 251 hành khách vào Quảng Ngãi. Ngoài ra, đơn vị cũng đón 350 hành khách trên tàu SE8 đang mắc kẹt tại Quảng Ngãi về Tam Kỳ để đi ra Bắc.
Cũng do mưa lớn trong nhiều ngày, từ khuya 23/10, hàng tấn đất đá đổ xuống cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua xã Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khiến giao thông theo hướng Nam - Bắc bị tê liệt hoàn toàn.
|
Giao thông theo hướng Nam- Bắc trêm cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi cũng bị tê liệt do khối đất đá sạt lở tràn xuống đường |
Có mặt tại hiện trường ngày 24/10, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục phó Cục Quản lý đường bộ III (thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam), cho biết vụ sạt lở xảy ra lúc 22h ngày 23/10 tại Km 76+800. Ngay sau khi nắm thông tin, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng chức năng có mặt kiểm tra hiện trường, phân luồng giao thông, không để phương tiện lưu thông vào tuyến đường để đảm bảo an toàn.
Cục Quản lý đường bộ III cũng điều động xe cẩu, xe múc đến vận bùn non, khắc phục vụ sạt lở. "Về khối lượng đất đá sạt lở khoảng 1.000 m3, tuy nhiên do nước với đất tạo thành bùn non nên việc khắc phục gặp khó khăn. Thời tiết hiện tại không ủng hộ việc sửa chữa nên chúng tôi dự kiến khoảng 2 ngày mới hoàn thành thông xe 2 chiều", ông Bình thông tin.
Đến chiều 24/10, theo ghi nhận của PLVN, tại khu vực xảy ra sạt lở, nước từ các khe nứt vẫn liên tục đổ xuống. Đồng thời, đất đá từ quả đồi cũng sạt lở khiến hậu quả nặng thêm. Lực lượng chức năng đã cho chắn một phần đường hướng Bắc - Nam và yêu cầu phương tiện lưu thông qua đây chạy chậm để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc khắc phụ.
Đáng chú ý, tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) do mưa lớn, đất đá bất ngờ đổ ầm xuống 6 ngôi nhà xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), đe dọa cuộc sống của người dân.
|
Sạt lở tại huyện Nam Trà My đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân |
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thông tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 9h ngày 24/10 tại thị trấn Tắc Pỏ (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My). Thời điểm này, người dân đang ngồi trước nhà. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã Trà Mai và hàng trăm người dân đã tham gia hỗ trợ di dời toàn bộ tài sản của các hộ nói trên đến nơi khác, đồng thời địa phương cũng bố trí khu ở tạm cho các gia đình. Thống kê ban đầu, có ít nhất 6 ngôi nhà của người dân bị hư hỏng.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Nam Trà My vẫn đang diễn ra mưa lớn, mực nước các sông đang lên nhanh, chính quyền huyện đã chủ động di dời cho khoảng 177 hộ dân với gần 800 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất vẫn là ở xã Trà Leng với hơn 300 nhân khẩu.
Tại Quảng Ngãi:
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến 32 xã thuộc 5 huyện, thị trấn và TP. Quảng Ngãi bị ngập với độ sâu 0,2-1 m, một số nơi ngập 1,5 m.
Tính đến nay, các địa phương ở Quảng Ngãi đã tổ chức di dời, sơ tán 802 hộ với hơn 2.500 khẩu trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.
Chiều 24/10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang phối hợp cùng hàng trăm người dân để nỗ lực tìm kiếm 3 ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) mất tích tại cửa biển Sa Cần.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn, khoảng 4 giờ 20 phút cùng ngày, người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh phát hiện 3 ngư dân gồm Nguyễn Tấn Nô, Bùi Đức Sự (cùng 14 tuổi) và Nguyễn Thái (25 tuổi, cùng ngụ thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) bị nước cuốn trôi khi ra bờ biển. Người dân đã báo với chính quyền địa phương để tìm kiếm. Được biết, 3 ngư dân trên là thuyền viên của một tàu câu mực đang neo đậu tại vùng cửa biển Sa Cần.
|
Tình hình mưa lũ tại Quảng Ngãi cũng gây nhiều thiệt hại ban đầu. Hiện, có 3 ngư dân mất tích |
Nhận tin báo, lực lượng chức năng xã Bình Chánh cùng các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh triển khai lực lượng tiếp cận hiện trường tiến hành tìm kiếm. Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết hiện khu vực này nước vẫn đang chảy xiết, công tác tìm kiếm được triển khai nhưng phải đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia.
Theo dự báo, ngày 24-25/10, các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum và Gia Lai sẽ ghi nhận mưa dao động 50-100 mm, có nơi trên 120 mm.
Trong khi đó, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên tiếp tục mưa lớn với tổng lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm chỉ trong vòng hai ngày tới.
Cơ quan khí tượng cho biết,ngày 24-25/10, các sông ở Bình Định, Kon Tum khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ có thể lên báo động 1 và báo động 2, có sông trên báo động 2. Trong khi đó, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống trong những giờ tới.