Nhiều tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Chiều 24/8, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký ban hành văn bản tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ, từ 0h ngày 25/8 đến 0h ngày 8/9.

Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, mỗi hộ gia đình chỉ cử đại diện 1 người ra khỏi nơi ở để mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 8h – 17h hàng ngày và không quá 2 ngày/tuần.

Đồng thời, người ra đường phải xuất trình các văn bản, giấy tờ khi được cơ quan chức năng kiểm tra gồm: Giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu...), Phiếu mua, nhận hàng hóa/Giấy mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu do UBND cấp xã cấp (các giấy tờ đã được cấp trước đây còn phù hợp thì tiếp tục sử dụng).

TP Cần Thơ tiếp tụcgiãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 25/8 đến 0h ngày 8/9.

TP Cần Thơ tiếp tụcgiãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 25/8 đến 0h ngày 8/9.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước và người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... đang được phép hoạt động chỉ được di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, trong khoảng thời gian từ 6 - 8 giờ sáng, buổi chiều từ 17 - 19 giờ. Khi đi làm, người lao động phải xuất trình các văn bản, giấy tờ như thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành, giấy đi đường…

Các quy định trên không áp dụng cho các trường hợp cấp cứu về y tế, gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, tang lễ; lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, người dân đi tiêm vaccine; người vận chuyển hàng hóa với mục đích từ thiện giao cho các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn cho các doanh nghiệp đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đang tác nghiệp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh; người thực hiện phát hành thư báo; công nhân làm vệ sinh môi trường, thực hiện sửa chữa, bảo trì công trình đô thị; nhân viên đi xử lý sự cố về điện, nước, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật và các tình huống khẩn cấp khác.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang được phép hoạt động phải tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động ít nhất 3 ngày/lần (test nhanh kháng nguyên hoặc PCR). Các đơn vị bố trí nhân sự làm việc theo ca luân phiên, duy trì hoạt động với công suất hợp lý để cung ứng kịp thời các dịch vụ cần thiết; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức hoạt động “3 tại chỗ” để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan.

Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi mọi người dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chia sẻ, ủng hộ và nghiêm túc thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội của thành phố để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh.

Tại Đồng Tháp, ngày 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có quyết định về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) để phòng, chống dịch COVID-19 đến hết ngày 5/9.

Cùng ngày, UBND tỉnh An Giang cũng quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 trên phạm vi 7 huyện, thành phố gồm: TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyện An Phú, huyện Chợ Mới và huyện Thoại Sơn. Các địa phương còn lại: huyện Phú Tân, huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và Thị xã Tân Châu thực hiện Chỉ thị số 15. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội kể từ 0h ngày 26/8 đến hết ngày 5/9.

Cùng ngày, tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh đến hết ngày 1/9.

Đọc thêm