“Địa ngục” dưới chân chùa: Nỗi sợ và lòng hướng thiện

(PLVN) - Chùa là nơi con người đến để chiêm bái, cúi đầu trước bậc trên cao, gieo hạt mầm từ bi, bác ái… Nhưng thật lạ, có những ngôi chùa còn chứa cả một “địa ngục” nho nhỏ rất đáng sợ. Hóa ra, nhà chùa dùng cái ác để giáo dục con người hướng thiện.
Chùa Ve chai Đà Lạt nổi tiếng với những công trình độc đáo.
Chùa Ve chai Đà Lạt nổi tiếng với những công trình độc đáo.

Vào chùa Ve chai, xuống 18 tầng địa ngục

Chùa Ve chai là một ngôi chùa cực kì nổi tiếng ở Đà Lạt. Thực chất, chùa có tên là Linh Phước. Chùa nằm trên đường Tự Phước, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 8km, được xây dựng từ năm 1949 đến năm 1952 thì hoàn tất, là điểm đến nổi tiếng tại Đà Lạt cho những người hành hương và khách muốn đến tham quan, vãn cảnh.

Sở dĩ, chùa có tên là Ve chai là bởi kiến trúc độc đáo, kì lạ của mình: Đa phần các kiến trúc, công trình của chùa được làm từ những mảnh chai, sành… ghép lại với nhau tạo nên những sắc màu lập thể rất đẹp mắt. 

Được biết, các công trình này được thực hiện từ hàng trăm tấn mảnh sành sứ chất lượng từ làng gốm Bát Tràng và một số làng gốm có tiếng. Tất cả các tiểu tiết, từ lan can cho đến các vách chùa đều được trang trí theo điển tích tứ thời, tứ quý, bát bửu, bát âm… tạo nên một công trình có độ công phu và giá trị nghệ thuật cao.

Ngay trước cổng chùa, đập vào mắt người bước đến là lối vào Long Hoa Viên với tượng rồng được tạc hình uốn lượn dài 49m. Con rồng này được trang trí mặt bên ngoài bằng hơn 12.000 vỏ chai bia. Cạnh thân rồng và là hồ nước và hòn giả sơn cùng tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh. Chánh điện của chùa dài đến 33m, rộng đến 22m vô cùng rộng lớn, nguy nga.

Ở phía trên trong chánh điện là tiền đàn bảo tháp cao 27m, hai bên là những cây cột được chạm trổ rồng vàng đầy trang trọng, đẹp mắt. Chùa còn có toà tháp 7 tầng chiều cao đến 37m. Hiện, tháp chuông nằm ở tầng thứ hai thuộc tòa tháp đã xác lập được kỷ lục là quả nặng nhất ở Việt Nam với trọng lượng 8,5 tấn.

Đây cũng là ngôi chùa được mệnh danh “nhiều kỉ lục nhất Việt Nam” với 11 công trình được ghi nhận trong sách kỉ lục: Tượng phật trong nhà bằng bê tông cao nhất Việt Nam, Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được làm bằng 600.000 bông hoa bất tử, Tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ cao nhất Việt Nam, Tượng Khổng Tước Vương bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam, Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam, Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam, Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam, Song Tùng Bách Hạc – tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỉ lục Việt Nam…

Đặc biệt điểm nhấn khiến chùa Ve chai nổi tiếng gần xa chính là công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam.

Công trình địa ngục dưới tầng hầm của chùa gây ấn tượng mạnh đối với khách vãn cảnh chùa. Địa ngục tại chùa có chiều dài hơn 300m, tái hiện lại tích Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống địa ngục tìm mẹ, một sự tích nổi tiếng trong Kinh Phật và có ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa dân gian Việt Nam. 

Theo bước chân Bồ Tát Mục Kiền Liên, người tham quan sẽ “rợn người” bởi những cảnh vật đáng sợ diễn ra ở từng tầng của địa ngục. Mỗi một tầng địa ngục tương trưng cho sự trừng phạt dành cho một tội ác mà con người đã phạm phải chốn nhân gian. Ở đó có tội trộm cắp, tội sát sanh, tội dối trá, tham lam… được thuyết minh bằng chữ rõ ràng trước cửa ngục. 

Càng vào sâu bên trong địa ngục càng xuất hiện những hình phạt thảm khốc hơn với những tội danh tăng nặng. Công trình được xây dựng có độ chân thật cao, kèm với màu sắc, ánh sáng, âm thanh rùng rợn càng tăng hiệu ứng gây sợ hãi như bước vào “địa ngục” thật. Trung tâm của địa ngục còn tái hiện cảnh Diêm vương phán xét người có tội, vừa uy nghiêm vừa đáng sợ.

Đi hết hành trình 18 tầng địa ngục, người tham quan có cảm giác như mới trải qua một cơn ác mộng gây sợ hãi và thở phào nhẹ nhõm khi đặt chân vào những bậc thang lên mặt đất. Nhiều khách tham quan chia sẻ, cảm giác đúng như đi qua địa ngục và được tái sinh. 

Có thể nói, 18 tầng địa ngục ở chùa Ve chai như bức tranh sống động về nhân quả nghiệp báo và lòng hiếu thảo.

Hiểu sao về “địa ngục”?

Có thể nói, chùa Linh Phước là ngôi chùa tái hiện 18 tầng địa ngục quy mô và chân thực hàng đầu Việt Nam. Nhưng trong nước, cũng có không ít ngôi chùa, điểm tham quan tái hiện sinh động cảnh 18 tầng địa ngục. Như chùa Ốc hay còn gọi là chùa Từ Vân ở Cam Ranh.

18 tầng địa ngục được xây dựng với chiều dài 500m, là một đường hầm dài, ẩm và quanh co, gây cảm giác nghẹt thở. Cửa đường hầm là một con vật có hình dạng tương tự rồng, nhưng có sừng và răng nanh đang há miệng thật to để chờ “con mồi” bước chân vào.

Nhiều ngôi chùa thường có các bức tranh vẽ cảnh địa ngục.
Nhiều ngôi chùa thường có các bức tranh vẽ cảnh địa ngục. 

Không giống như ánh ánh rập rờn nhiều màu gây cảm giác ảo giác tại chùa Linh Phước, đường hầm địa ngục ở chùa Ốc tối tăm, khách tham quan phải cầm theo nến và đèn pin để soi rọi, thi thoảng có một luồng ánh sáng lập lòe hiện ra. Chính vì thế, những cảnh tượng tra tấn, những hình phạt cho tội ác càng đem lại cảm giác “rợn tóc gáy”. 

Kết thúc 18 tầng địa ngục ở chùa Ốc, người tham quan sẽ được đi qua chiếc cầu Nại Hà để trở lên mặt đất. Theo truyền thuyết, cầu Nại Hà chính là chiếc cầu nơi mà các linh hồn được đầu thai, trở lại với nhân gian một lần nữa sau khi trút hết kí ức của kiếp trước. 

Ngoài ra, tại Khu du lịch Suối Tiên ở TP HCM cũng có một kiến trúc 18 tầng địa ngục khá nổi tiếng, được coi là công trình 18 tầng địa ngục sớm nhất ở Việt Nam. 18 tầng địa ngục ở Suối Tiên cũng tái hiện những hình phạt ghê rợn dành cho người gây ra tội ác chốn nhân gian. Những tội nhân rũ rượi, những ác quỷ chốn âm ti được tái hiện rất đáng sợ.

Đặc biệt, tính “hù dọa” của công trình địa ngục trong Suối Tiên cao hơn, khi tạo ra những luồng gió lạnh, âm thanh than khóc và cả hiệu ứng sinh động về hồn ma bất chợt xuất hiện nơi ngã rẽ, hay những bàn tay từ dưới đất đột ngột níu chân…

Ngoài những công trình tái hiện cảnh địa ngục thì rất nhiều ngôi chùa trong nước có những bức tranh, tượng tái hiện cảnh địa ngục rùng rợn ngay trong khuôn viên chùa. Nhiều người đưa ra câu hỏi, tại sao trong các ngôi chùa, nơi bình an và từ bi lại có những công trình địa ngục đáng sợ đến thế? 

Thực ra, ý niệm về địa ngục đã xuất hiện từ tời cổ xưa, khi con người biết thờ các thần linh, biết tránh cái ác và sợ sự trừng phạt khi làm việc ác. Nhiều tôn giáo cũng có quan niệm về địa ngục cho riêng mình với những cấu trúc, cách hoạt động và quy luật vận hành riêng.

Đạo Phật đưa ra quan niệm sâu sắc về nghiệp – duyên, luân hồi và quả báo. Mỗi một hành vi của con người đều nhận lấy nghiệp tương xứng với hành vi ấy. Như người gieo mầm, gieo hạt mầm tốt lên cây xanh, quả ngọt, gieo mầm xấu nảy ra cây còi cọc, bệnh yếu. Kết quả của những hành vi nhân nghĩa, chính trực, hiếu thảo chính là một cuộc sống bình an, hạnh phúc, được yêu thương…  Kết quả của hành vi độc ác, hại người, sa đọa, bất hiếu chính là những hình phạt chốn địa ngục và những nỗi khổ kéo dài trong các kiếp sau.

Thực chất, đạo Phật quan niệm “vạn sự do tâm tạo”. Địa ngục cũng chính là một cảnh giới của tâm khi con người đánh mất đi sự bình an và hướng thiện. Tuy nhiên, nhà Phật cũng có quan niệm về “tùy duyên hóa độ”. Hình ảnh địa ngục được cụ thể hóa, phác thảo rõ nét dần theo năm tháng chính là một cách để răn dạy con người, giúp người ta nhìn thấy rõ ràng hậu quả đáng sợ cho những hành vi sai trái của mình mà biết sợ và tránh xa.

Giáo dục con người cần đến cả sự yêu thương, lời nói nhẹ nhàng, động viên, nhưng đôi khi cũng cần cả roi vọt, sự đe nạt và nghiêm khắc. Bức tranh về địa ngục chính là cái phần đe nẹt đầy nghiêm khắc ấy trong quá trình giúp mỗi người “tu” của đạo Phật.

Đó chính là lý do không ít ngôi chùa, bên cạnh tượng Phật từ bi, bên tiếng chuông thanh bình, có những cảnh ngục tăm tối, máu me, đau đớn và sợ hãi.

Lấy nỗi sợ để dạy về bình yên. Lấy cái ác để giáo dục lòng hướng thiện. Đó chẳng phải là một cách rất thú vị hay sao?

Đọc thêm