Diện mạo mới trong công tác tuyên truyền pháp luật

(PLO) - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) quy định 8 hình thức PBGDPL tuy nhiên trên thực tiễn, để nâng cao hiệu quả của công tác này các địa phương đã áp dụng rất nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Diện mạo mới trong công tác tuyên truyền pháp luật

Mô hình “Quán cà phê pháp luật” ở Cần Thơ bắt đầu hình thành từ ý tưởng “kệ sách pháp luật” tại một gia đình ở quận Thốt Nốt. Ban đầu chỉ là kệ sách nhỏ với số lượng văn bản luật rất ít, nhưng gia đình đã làm riêng trên một cái kệ. Bà con hàng xóm ai có nhu cầu thì đến mượn đọc. Số lượng người tới đọc và tìm hiểu ngày càng đông. Vì thế, để khuyến khích người dân tìm hiểu thêm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mô hình “Quán cà phê pháp luật” ra đời.

Đến nay toàn thành phố đã có hàng trăm quán cà  phê pháp luật. Đồng Tháp cũng là tỉnh có mô hình tương tự được khởi xướng từ huyện Cờ Đỏ. Đây là nơi vừa để bà con nhân dân thư giãn vừa có thể tham khảo tìm hiểu các chính sách pháp luật. Các quán cà phê được trang bị đầu sách pháp luật và các loại tờ gấp cũng là công cụ để chính quyền tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước đến nhân dân.

Khoảng 4 năm trở lại đây, Hà Nội cũng đã áp dụng tuyên truyền pháp luật về giao thông trên hệ thống loa truyền thanh tại một số ngã tư có đèn đỏ. Đây là giải pháp được Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp thực hiện nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân Thủ đô.

Các nội dung tuyên truyền được phát vào một số khung giờ cao điểm về giao thông và được phát một cách khoa học: khi có tín hiệu xanh loa sẽ tự động phát nhạc không lời, khi có tín hiệu đèn đỏ tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy định của Luật khác. Sau thời gian triển khai, Hà Nội đánh giá đã có những hiệu quả nhất định góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Các mô hình PBGDPL hiệu quả hiện nay đang được nhiều địa phương triển khai trên diện rộng. Đơn cử mô hình vận động nông dân chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương, Tiền Giang, Thái Bình. Tỉnh Quảng Bình, Lào Cai, Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Ninh… thì tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật với doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh Cà Mau tổ chức hoạt động “truyền thông pháp luật tại cộng đồng” lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gắn với một sự kiện cụ thể nào đó ở địa phương để góp phần định hướng dư luận.

Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin thì nhiều hình thức tuyên truyền khác đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua mạng cũng đã được triển khai ở một số địa phương. Ở Khánh Hòa mạng di động 1080 cũng tích cực tham gia vào việc tuyên truyền pháp luật; một số cuộc giao lưu trực tuyến cũng được một số cơ quan báo chí Thủ đô tổ chức nhằm tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới.

Tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức tuyên truyền pháp luật qua Facebook; Đà Nẵng, Hậu Giang thành lập trang tin pháp luật… Hiện nay tất cả các địa phương cấp tỉnh đều đã xây dựng các trang thông tin điện tử; nhiều UBND cấp huyện và một số UBND cấp xã đã có Website cung cấp văn bản pháp luật miễn phí.

Không những thế, hoạt động PBGDPL còn được lồng ghép qua các thiết chế cơ sở, kết hợp tư vấn pháp luật qua các đội, nhóm nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật (Hậu Giang); xây dựng quy ước dòng họ, nhà thờ, nhà chùa, thôn, ấp, cụm dân cư để giáo dục người vi phạm pháp luật (Bà Rịa -Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Nội); thành lập địa chỉ tin cậy chuyên tư vấn pháp luật ở Phú Yên; hệ thống điểm truyền tin thôn, bản (Hà Giang); Tổ tư vấn pháp luật Đồn biên phòng…

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn, lôi kéo nhiều người tham gia phải kể đến các cuộc thi với hình thức sân khấu hóa. Tỉnh Phú Yên, Nghệ An đã tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng, Đắk Nông tổ chức thi hái hoa dân chủ, tỉnh Cao Bằng tổ chức diễn đàn “mỗi tuần một câu hỏi một đáp án”…Và mới đây năm 2016 không thể không nhắc đến một hội thi có sức lan tỏa lớn trong toàn quốc đó là hội thi hòa giải viên giỏi.

Sau 3 năm thi hành Luật PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết, dựa trên các hình thức được quy định trong Luật, các bộ, ngành, địa phương đã đa dạng hóa các hình thức, mô hình, biện pháp PBGDPL sát thực hơn với thực tiễn đời sống. Bên cạnh các hình thức truyền thống, nhiều hình thức PBGDPL mới sáng tạo, hiệu quả đã mang lại hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền. Cùng với việc đổi mới về nội dung, việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thực sự đã mang lại những diện mạo mới trong công tác PBGDPL. 

3 năm thi hành Luật PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, kiện toàn ngày càng phát triển về cả số và chất lượng. Hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng đội ngũ này ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại cơ quan, đơn vị và địa bàn cơ sở. Đến nay, cả nước có hơn 28 ngàn báo cáo viên pháp luật và hơn 168 ngàn tuyên truyền viên cấp xã. Một số ngành còn xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên của ngành. 

Đọc thêm