Giảm nghèo không thể trông chờ, ỷ lại các chính sách hỗ trợ của nhà nước

(PLVN) - Ngày 19/9, tại Bạc Liêu, Bộ LĐ,TB& XH tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025”.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ,TB&XH) cùng đại diện lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH các tỉnh thành lân cận.

Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi Hội thảo
Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi Hội thảo

Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, tỷ lệ nghèo chung cả nước 5,23%, cận nghèo 4,59%, trong đó miền núi Tây Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất, gấp 4,63 lần tỷ lệ nghèo chung, tiếp theo là miền núi Đông Bắc và Tây Nguyên; Đông Nam bộ là vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất dưới 1%, Đồng bằng sông Hồng dưới 2%. Số lượng hộ nghèo tập trung nhiều nhất tại vùng miền núi Đông Bắc (1/4 số hộ nghèo cả nước), ĐBSCL (15%), Bắc Trung Bộ (14%), miền núi Tây Bắc (13,4%).

Nguyên nhân nghèo phát sinh chủ yếu tập trung ở điều kiện kinh tế; điều kiện tự nhiên; nguồn vốn tài chính, vật chất, con người. Các hình thức nghèo phát sinh: Hộ nghèo tách ra từ hộ nghèo cũ; hộ nghèo tách ra tự hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ không nghèo trở thành nghèo do biến cố, rủi ro.

Đại biểu phát biểu tại buổi Hội thảo
Đại biểu phát biểu tại buổi Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cho biết: Chương trình giảm nghèo đa chiều là một trong những mục tiêu quốc gia được tỉnh quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Bạc Liêu đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo theo chuẩn đa chiều bền vững. Tính đến hết năm 2018, tỉnh đã giảm được gần 8.700 hộ nghèo và giảm gần 5.700 hộ cận nghèo; vận động Qũy Vì người nghèo - An sinh xã hội được hơn 121 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 24.600 người; đào tạo nghề cho hơn 14.100 lao động.

Bạc Liêu triển khai nhiều mô hình giúp giảm nghèo bền vững
Bạc Liêu triển khai nhiều mô hình giúp giảm nghèo bền vững

Song song với các chính sách của Trung ương, Bạc Liêu còn triển khai nhiều chính sách đặc thù của địa phương, phân công đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo. Năm 2018, tỉnh đã nhận giúp đỡ gần 7.400 hộ nghèo với tổng số tiền 26,5 tỷ đòng bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ tài chính; cây con, giống, thức ăn; các mô hình sản xuất, đa dạng hộ sinh kế và nhận rộng mô hình giảm nghèo. Đa số các hộ nhận giúp đỡ đã thoát nghèo bền vững. 

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho người khi thoát nghèo với thời hạn 1 năm để hạn chế tình trạng thoát nghèo do bệnh tật với kinh phí mỗi năm trên 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Vương Phương Nam cũng thừa nhận rằng, Bạc Liêu cũng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo; Nguồn lực đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển tuy được đầu tư nhưng mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Tỉnh có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ trong khí đó chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa được nhiều, suất đầu tư thấp; công tác tuyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức ở một số địa phương hiệu quả chưa cao; người nghèo vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Đọc thêm