Hải Dương: Nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư

(PLO) - Sau khi tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, sáng ngày 30/8, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục tổ chức Hội nghị đánh giá Đề án “Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 – 2020” nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư.
  Hải Dương: Nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư

Những tồn tại, hạn chế

Theo báo cáo, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Hải Dương đã nỗ lực, cố gắng và đạt được kết quả bước đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệpthực hiện các quy định của Nhà nước…qua đó nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Căn cứ chỉ số PCI giai đoạn 2011 – 2015 cho thấy, đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh về những cải thiện trong các lĩnh vực của môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh chỉ thuộc mức trung bình – khá, chưa thực sự có đột phá mạnh mẽ, vượt bậc. Các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng ngày càng khó khăn; chi phí không chính thức có xu hướng tăng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệpchậm phát triển; chi phí gia nhập thị trường còn ở mức cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hải Dương đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của tỉnh trong việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư như: thực hiện thủ tục hành chính thời gian, chi phí còn kéo dài; tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh còn hạn chế; việc thực thi các cơ chế, chính sách và các biện pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệpcủa các cấp các ngành còn chậm; các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệpcòn chậm phát triển, chất lượng thấp; hệ thống tòa án và cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính của tỉnh giúp doanh nghiệpgiải quyết tranh chấp hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ công tác cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chưa thường xuyên và kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch và đột xuất” quá nhiều.

Với đề án này, tỉnh Hải Dương xác định các mục tiêu nhằm tạo môi trường kinh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh đến năm 2017 ở nhóm 30 và đến năm 2020 đứng trong nhóm 20 của tỉnh, thành có PCI cao nhất cả nước, thuộc nhóm đầu chất lượng điều hành “Khá”.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Phát biểu tại hội nghị lần này, phía đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá tốc độ tăng trưởng của Hải Dương không đẩy nhanh, có nguy cơ dễ bị tụt hậu khi tổng thu ngân sách của Hải Dương dự toán năm 2016 mới hơn 9 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu nội địa, tăng xuất khẩu những năm 2012 – 2014 của tỉnh có tăng nhưng chậm. Nhìn chung, Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Hải Dương phát triển ổn định, đứng thứ 34 cả nước. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, ông Tuấn nhận xét không ít doanh nghiệp của Hải Dương vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Phần lớn còn luẩn quẩn ở thị trường nội địa.

Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tại Khu công nghiệp Nam Sách
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tại Khu công nghiệp Nam Sách

Trưởng ban Pháp chế VCCI đã đưa ra những kiến nghị trong việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư ở Hải Dương như: cần giảm bớt gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (71% tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng diễn ra tình trạng nhũng nhiễu ở chính quyền); đối xử bình đẳng các doanh nghiệpdân doanh; tập trung vào những lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính gặp nhiều phiền hà nhất (đất đai, thuế phí, bảo hiểm); giải quyết những khó khăn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải như vốn, lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao tính minh bạch; giảm gánh nặng thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương ghi nhận mọi đóng góp, ý kiến của các đại biểu. Ông mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động cụ thể hơn nhằm đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển, cải thiện môi trường đầu tư. 

Đồng thời, ông Thái nhấn mạnh, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành. Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Kế hoach đầu tư tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Đề án, đồng thời xem xét, đề xuất thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Đọc thêm