Hải Dương phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại

(PLVN) - Chiều 4/2, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo hội nghị. Ngoài ra còn có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương và đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều tuyến đường và hành lang vận tải đi qua; nằm gần các cảng hàng không, cảng biển quan trọng của miền Bắc nên rất thuận lợi về giao thương hàng hóa.

Hải Dương tổ chức hội nghị hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp.
 Hải Dương tổ chức hội nghị hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh đều cao hơn bình quân chung của cả nước; là một trong 16 tỉnh, thành trong cả nước tự cân đối thu chi ngân sách và có đóng góp về ngân sách trung ương.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đạt 34%. Trong năm 2019, TP. Hải Dương đã được công nhận là đô thị loại I, Chí Linh được công nhận là thành phố, huyện Kinh Môn được công nhận là thị xã. Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo các bộ, sở, ngành tham dự.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo các bộ, sở, ngành tham dự.

Hải Dương hiện có 18 Khu công nghiệp (KCN), trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%, ngoài ra có 45 cụm công nghiệp. Hải Dương đã phát triển công nghiệp hỗ trợ trên 3 lĩnh vực là cơ khí chế tạo; điện – điện tử; dệt may – da giầy với tổng số khoảng 130 doanh nghiệp tham gia. Tốc độ tăng trưởng giá trị của công nghiệp hỗ trợ đạt trên 15,4%.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh mới tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế và yếu kém. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là gia công và lắp ráp các sản phẩm giản đơn, trình độ công nghệ thấp. Do đó, các sản phẩm sản xuất ra có chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất dẫn đến rất khó khăn trong việc tiếp cận và tham gia vào hệ thống chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn lớn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương nhấn mạnh, với mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035, đặc biệt đưa ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sớm trở thành ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp các linh kiện phụ tùng…cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực lân cận và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã kêu gọi và đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hải Dương cam kết sẽ luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Đây cũng là cam kết của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung, tạo mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế, giữa các cơ sở sản xuất trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp lắp ráp hoàn chỉnh.

Là doanh nghiệp được lựa chọn làm nòng cốt trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, Tập đoàn An Phát Holdings đã có hơn 20 năm kinh nghiệm và đi đầu trong phát triển công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong quá trình phát hoạt động và phát triển, Tập đoàn này đã hợp tác với các Tập đoàn đa quốc gia như Sam Sung, Honda, Toyota, Panasonic... và là nhà cung ứng cấp 2 của Sam Sung.

Tại hội nghị lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Hải Dương trong phối hợp tổ chức Chương trình Hội nghị hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tại hội nghị, Bộ Công thương, tỉnh Hải Dương, Tập đoàn An Phát Holdings đã ký chương trình hợp tác 3 bên.
 Tại hội nghị, Bộ Công thương, tỉnh Hải Dương, Tập đoàn An Phát Holdings đã ký chương trình hợp tác 3 bên.

Trong năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ có thêm 1.000 doanh nghiệp hỗ trợ, do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; Bộ Công thương tập trung nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ xây dựng luật công nghiệp hỗ trợ, định hướng phát triển công nghiệp thế mạnh…

Đối với tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương nghiên cứu và đưa định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ vào Nghị quyết. Đồng thời tiến hành rà soát và bãi bỏ những văn bản, thủ tục hành chính chồng chéo. Bên cạnh đó bố trí quỹ đất, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, mặt bằng sạch và tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về phía Tập đoàn Sam Sung và Tập đoàn An Phát Holdings, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức các chương trình hỗ trợ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần từng bước ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất và tham gia vào hệ thống chuỗi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các Tập đoàn lớn.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ Công thương, Tập đoàn An Phát Holdings đã thực hiện ký kết chương trình hợp tác 3 bên. Đây là lần đầu tiên một chương trình tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ được tổ chức riêng cho một tỉnh với sự kết hợp của 3 bên là Trung ương – Địa phương – Doanh nghiệp.

Sự kiện này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để nên công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương ngày một phát triển. Các doanh nghiệp trong tỉnh có thêm nhiều cơ hội và gia tăng năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đọc thêm