Hiệu quả từ công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang

(PLVN) - Không chỉ phục vụ tưới tiêu cho 7 huyện, thị khác, công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang còn làm “thay da, đổi thịt” huyện nghèo miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh); giúp người dân đang có thêm nhiều công ăn việc làm hơn từ khi công trình đi vào hoạt động.
Công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đưa vào sử dụng sau 10 năm thi công.
Công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đưa vào sử dụng sau 10 năm thi công.

Công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng

Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang là công trình trọng điểm quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư, được xem là “siêu công trình thủy lợi của miền Trung” với mức đầu tư trên 5.000 tỷ. Công trình có dung tích hồ chứa 775 triệu m3, được Chính phủ xếp là 1 trong 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt. 

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (BQL), Bộ NN&PTNT cho biết, khi bắt đầu xây dựng công trình vào năm 2009 đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở phần thiết kế tràn xả lũ. “Đã có nhiều nhà khoa học, Cục Xây dựng công trình của Bộ vào cuộc để đưa ra phương án tối ưu. Hàng loạt phương án đưa ra rồi lại hủy bỏ, cuối cùng là phương án làm tràn 7 cửa. Nghĩa là 7 cửa tràn, 7 xả lũ tiêu năng đáy. Phương án này được xem là tối ưu vì có thể xả đáy khi lũ chưa về để tránh ngập tràn và cũng phù hợp với địa hình, giá lại rẻ”, ông Thịnh nói.

Đến cuối năm 2017, công trình cơ bản hoàn thành; hồ Ngàn Trươi bắt đầu tích nước từ tháng 2/2017. Đầu năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tĩnh, hồ Ngàn Trươi bắt đầu tích nước phục vụ tưới. Từ tháng 12/2018 đã vận hành đồng bộ với đập dâng Vũ Quang và 17km kênh chính thử tải theo nhiệm vụ thiết kế giai đoạn 1. Năm 2018 - 2019, hồ phục vụ tưới mỗi năm khoảng 150 - 250 triệu m3, năm 2019 thay thế hoàn toàn trạm bơm Linh Cảm. 

Theo lãnh đạo BQL, không chỉ tưới tiêu, thủy lợi Ngàn Trươi còn thực hiện chức năng điều tiết lũ cho hạ du. Theo đánh giá, từ khi công trình đi vào hoạt động, tình trạng lũ lụt ở hạ du công trình giảm hẳn. “Ví dụ trận lũ năm 2020 vừa qua, nhiều huyện, thị của Hà Tĩnh ngập nặng, đặc biệt TP Hà Tĩnh. Thế nhưng, nhờ sự điều tiết hợp lý của hệ thống xả tràn hợp lý nên gần như người dân hạ du của hồ thủy lợi này đã không bị lũ. Tỉnh Hà Tĩnh thậm chí đã đề nghị chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm để vận hành an toàn các hồ đập khác, trong đó có hồ Kẻ Gỗ”, theo ông Thịnh. 

Huyện Vũ Quang đang quy hoạch xây dựng nhiều điểm du lịch để khai thác lợi thế mà công trình mang lại.
 Huyện Vũ Quang đang quy hoạch xây dựng nhiều điểm du lịch để khai thác lợi thế mà công trình mang lại.

Người dân địa phương được hưởng lợi

Là công trình đa mục tiêu, sau khi công trình được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả kinh tế rất rõ rệt. Theo bà Nguyễn Thị Hà Tân, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang, ngoài mục đích tưới tiêu nông nghiệp cho nhiều huyện, thị, công trình còn góp phần giúp huyện Vũ Quang tái cơ cấu sản xuất, tạo lợi thế khai thác tiềm năng du lịch. 

“Huyện đang xin chủ trương của Bộ NN&PTNT và tỉnh Hà Tĩnh cho thí điểm mô hình nuôi cá lồng bè trong lòng hồ trên diện tích khoảng 4.000ha mặt nước. Sắp tới sẽ có đánh giá và nhân rộng mô hình để cải thiện thu nhập, việc làm cho người dân. Cùng với đó hy vọng sẽ cho ra đời thương hiệu một loại cá sạch mang tên cá lòng hồ Ngàn Trươi”, bà Tân nói. 

Theo đại diện chính quyền địa phương, ngoài mô hình nuôi cá lòng hồ, huyện đang đẩy nhanh việc quy hoạch xây dựng nhiều điểm du lịch, thu hút đầu tư để khai thác lợi thế mà công trình mang lại. “Đã có nhiều doanh nghiệp vào tìm hiểu để đầu tư. Thế mạnh của Vũ Quang là cây ăn quả, có đường Hồ Chí Minh đi qua rất thuận tiện cho việc kết nối vùng. Chúng tôi cũng xác định để phát triển du lịch lòng hồ huyện cũng song song đẩy mạnh xây dựng hệ thống nhà vườn, tạo thành những tour tuyến trải nghiệm”, Bí thư Huyện ủy cho hay.

Trước đây, số hộ nghèo của Vũ Quang lên đến trên 45%, nhưng nay huyện đã đủ điều kiện để được công nhận chuẩn nông thôn mới. Một thống kê gần đây cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện trên 42 triệu đồng/năm (so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hà Tĩnh khoảng 36 triệu). Đời sống người dân Vũ Quang đang sung túc lên từng ngày.

Với dung tích hồ chứa lớn hơn 2 lần hồ Kẻ Gỗ, thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang có nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất công nghiệp, điều tiết tưới 32.585ha đất nông nghiệp của 8 huyện, thị xã và gần 6.000ha nuôi trồng thuỷ sản, kết hợp phát điện với công suất máy 15MW, cấp nước sinh hoạt, làm giảm lũ cho vùng hạ du, đặc biệt là vùng Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ; phục vụ và tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh.

Đọc thêm