Nạn phá núi tại hai huyện phía Nam Lâm Đồng

(PLVN) - Nếu những năm trước, khu vực huyện Đạ Hoai và huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) là mảnh đất màu mỡ cho hàng chục đối tượng khai thác gỗ lậu. Thì nay, khi rừng đã cạn kiệt, cao lanh, đất sét, đất đỏ và cát đang là nguồn lợi khổng lồ giúp các ông chủ vốn đã giàu có nay càng giàu thêm.
Đất sét, cao lanh có giá trị cao được cho là nguyên nhân khiến các đối tượng bất chấp pháp luật để khai thác
Đất sét, cao lanh có giá trị cao được cho là nguyên nhân khiến các đối tượng bất chấp pháp luật để khai thác

Sáng 5/8, từ thị trấn Madagui huyện Đạ Hoai, đi dọc tuyến đường TL721 vào huyện Đạ Tẻh, trên đoạn đường gần 20 km này, chúng tôi ghi nhận hàng chục ngọn núi đang bị các đối tượng khai thác đất, đá dần san phẳng.

Tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Hoai, chiếc xe cuốc đang cạp từng mảng đất lớn, múc lên xe ben chở đi tiêu thụ. Tại hiện trường, ngọn núi vốn cao hàng chục mét giờ chỉ trơ lại một chỏm nhỏ. 

Được biết một xe ben chở 15m3 đất có giá bán khoảng 1 triệu đồng, trong khi đó, với việc san phẳng ngọn núi trên, những người khai thác thu về hàng ngàn xe đất như thế.

Tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, ngay bên cạnh tượng đài chiến thắng, hàng chục xe ben, xe cuốc các loại đang thi nhau múc đất từ hai ngọn núi cao. Xe cộ ra vào tấp nập khiến cửa ngõ thị trấn Đạ Tẻh mịt mù bụi.

Ngay tại xã Đạ Tồn, nằm sát cạnh thị trấn Madagui, chúng tôi tiếp cận một loạt bãi chứa đất sét, cao lanh của một doanh nghiệp tư nhân có tên Tuấn Hải. Trong khuôn viên bãi chứa, hàng ngàn mét khối cao lanh được cơ sở này khai thác, thu gom từ các nguồn khác nhau để bán lại. Trên đường vào bãi chứa, một ngọn núi cao cũng bị cuốc phăng, trơ lại một khoảng đất trống.

Một người đàn ông tự xưng tên Tuấn cho biết, do gia đình ông “lỡ coi ngày xây nhà nên phải tiến hành san núi để kịp tiến độ thi công”. Trong khi việc này chưa được chính quyền địa phương cho phép. Ông Tuấn còn úp mở việc “một số nhóm PV về phản ánh việc khai thác đất, đá đều bị giang hồ nơi đây hành hung và chính tôi là người ra tay dàn xếp”.

Nhiều người dân cho biết, việc khai thác đất, đá lâu nay không chỉ khiến những ngọn núi, điểm nhấn về cảnh quan của ngành du lịch ở địa phương này bị mất đi, mà việc khai thác này còn phá nát tuyến đường TL721 và QL 20.

Cơ quan nào cấp phép cho các đối tượng san phẳng các ngọn núi? Ai là người phải chịu trách nhiệm khi tài nguyên đang dần cạn kiệt do nạn khai thác vô tội vạ diễn ra lâu nay? NPV sẽ tiếp tục tìm hiểu phản ánh.        

Đọc thêm